“Các cô gái của tôi!” (Và giá mà cô hiểu được tâm trạng của chúng tôi
lúc đó, sau suốt thời gian bỏ ăn bỏ ngủ, ngắn gọn, là ông ấy nói với chúng
tôi không phải như một vị chỉ huy mà như một người cha.) “Hẳn là các cô
không hiểu tầm quan trọng của vai trò các cô trong chiến tranh: các cô là
mắt là tai của chúng tôi; một quân đội không có thông tin liên lạc thì cũng
giống như một người mất máu.”
Machenka Soungourova là người đầu hàng đầu tiên:
“Báo cáo đồng chí thiếu tướng, binh nhì Soungourova đủ sức hoàn thành
bất cứ nhiệm vụ gì đồng chí giao!”
Vậy là, cho đến cuối chiến tranh, chúng tôi chỉ gọi cô ấy là “người đủ
sức”.
... Tháng Sáu 1943, ở Koursk, chúng tôi được trao lá cờ trung đoàn. Mà
trung đoàn chúng tôi, trung đoàn thông tin liên lạc số 129 của tập đoàn
quân số 65, gồm 80% là nữ. Và tôi kể thế này để cô có thể hình dung... Tôi
kể những gì diễn ra trong tâm hồn chúng tôi: bởi vì những con người như
chúng tôi hồi đó, hẳn sẽ không bao giờ có nữa. Không bao giờ! Những con
người ngây thơ như thế, chân thành như thế! Những con người đầy tình yêu
như thế, đầy tin tưởng như thế. Khi trung đoàn trưởng của chúng tôi nhận
lá cờ và ra lệnh cho chúng tôi: “Toàn thể trung đoàn, dưới cờ! Quỳ xuống!”
tất cả chúng tôi cảm thấy thật hạnh phúc.
Chúng tôi đã được tin tưởng, bây giờ chúng tôi đã là một trung đoàn như
tất cả các trung đoàn khác, như một trung đoàn thiết giáp hay bộ binh.
Chúng tôi khóc, mắt người nào cũng đẫm lệ. Cô sẽ khó tin lời tôi, nhưng do
tác động của cảm xúc đó, cả cơ thể tôi chịu một cú sốc và bệnh quáng gà
tôi đã mắc phải do thiếu ăn và căng thẳng thần kinh, biến luôn. Cô biết
không, ngay ngày hôm sau, tôi đã khỏi bệnh, do chấn động trong tâm hồn
ấy.”
Maria Semionovna Kaliberda,
thượng sĩ, liên lạc