chiến sĩ cáng thương thuộc đơn vị súng máy
“Tôi không nhớ mẹ tôi, ký ức tôi chỉ giữ những đường viền của khuôn
mặt bà... Ít ra, tôi nghĩ thế... Tôi ba tuổi thì bà mất. Bố tôi phục vụ ở vùng
Viễn Đông
, ông là quân nhân chuyên nghiệp. Ông đã dạy tôi cưỡi ngựa.
Đấy là ấn tượng mạnh nhất tôi còn giữ được về tuổi thơ tôi. Ông không
muốn tôi thành một người đàn bà õng ẹo. Ở Leningrad, nơi tôi sống với cô
tôi, tôi có những kỷ niệm đến tận hồi tôi năm tuổi. Cô tôi là y tá trong chiến
tranh Nga-Nhật. Tôi rất yêu bà...
Tôi là loại con bé như thế nào? Để thắng một lần đánh cuộc, tôi đã nhảy
từ tầng ba ở trường tôi xuống đất. Tôi thích bóng đá, tôi là thủ môn của đội
bóng nam. Khi bùng nổ chiến tranh với Phần Lan, tôi đã nhiều lần trốn nhà
để hy vọng được nhập ngũ. Và năm 1941, tôi vừa xong lớp đệ tam và tôi
vừa đủ thời gian để ghi tên vào một trường trung học kỹ thuật. Cô tôi khóc:
“Chiến tranh rồi!”. Còn tôi, tôi mừng vì có cơ hội ra trận và chứng tỏ lòng
dũng cảm. Làm sao tôi biết được máu là thế nào?
Khi trung đoàn cận vệ đầu tiên được thành lập từ quân số của lực lượng
dân quân, chúng tôi là những cô gái được gia nhập vào công tác y tế chiến
trường.
Tôi gọi cô tôi: “Cháu ra trận đây.”
Đầu đường dây bên kia, bà trả lời tôi: “Về nhà ngay! Bữa ăn trưa đã
nguội rồi.”
Tôi gác máy, về sau tôi ân hận. Ân hận đến điên lên. Cuộc bao vây
Leningrad đã bắt đầu, cuộc bao vây khủng khiếp trong đó một nửa dân số
thành phố đã chết, mà bà chỉ có một mình. Một bà cụ già.
Tôi nhớ một lần được về phép. Trước khi về nhà cô, tôi ghé vào một cửa
hàng. Trước chiến tranh, tôi rất thích kẹo. Tôi nói: “Tôi mua kẹo.”