“Tôi nhớ người thương binh đầu tiên của tôi... Khuôn mặt anh... Anh bị
một vết thương hở: đầu xương đùi bị vỡ. Cô không thể tưởng tượng tác
động của một mảnh pháo: một cái xương nhô ra khỏi thịt và chung quanh
nát nhừ. Về lý thuyết tôi biết phải làm gì, nhưng tôi bò đến chỗ anh và tôi
nhìn thấy tất cả những cái ấy, tôi bỗng buồn nôn. Và đột nhiên, tôi nghe:
“Này, cô gái, hớp một hớp rượu đi.” Là anh thương binh đang nói với tôi.
Anh ấy thương hại tôi. Tôi thấy lại cảnh ấy cứ như mới hôm qua. Anh vừa
nói mấy từ ấy, tôi sực tỉnh ngay: “Ôi, tôi nghĩ, tôi chẳng hơn gì các cô tiểu
thư tồi tệ kiểu Tourguéniev nọ! Anh ấy sắp chết, vậy mà tôi, sinh linh yếu
ớt này, tôi lại buồn nôn.” Tôi mở hộp băng, phủ lên vết thương, và lúc đó,
tôi thấy khá hơn và tôi đã chăm sóc anh đúng cách.
Ngày nay, có lúc tôi xem phim chiến tranh: ở đấy các cô nữ y tá ngoài
mặt trận ăn mặc đàng hoàng, sạch bong, không phải mặc quần bông, mà
một chiếc váy nhỏ xinh xắn, mũ calô trên mái tóc. Tất cả những cái đó đều
không thật chút nào! Ngày ấy, chúng tôi ăn mặc kiểu đó thì thử hỏi làm
cách nào mà bò đi nhặt được thương binh?... Hãy cứ thử mặc váy mà bò
giữa bốn bên đầy những đàn ông xem! Đúng ra là đến thời cuối chiến tranh,
chúng tôi mới được cấp phát váy, để tham gia duyệt binh. Lúc ấy, chúng tôi
cũng được phát áo nịt len, thay cho loại quần áo lót đàn ông chúng tôi vẫn
lĩnh trước đây. Chúng tôi mừng quýnh cả lên. Đến nỗi cứ mở tung cúc áo
varơi để chưng áo nịt len ra...”
Sofia Konstantinovna Doubniakova,
thượng sĩ, cáng thương
“Một trận bom. Mọi người chạy. Tôi cũng thế. Tôi nghe một tiếng rên:
“Giúp tôi.” Nhưng tôi vẫn chạy tiếp... Một lúc sau, chợt lóe lên trong đầu
tôi, tôi cảm thấy chiếc túi y tá trên vai tôi. Và cùng lúc, một nỗi hổ thẹn
mênh mông. Và thế là, nỗi sợ bay mất! Tôi quay lại: tôi tìm thấy một người
lính bị thương. Tôi vội băng cho anh. Rồi một người thứ hai. Người thứ ba.