Và người ta xử trí thế nào khi bị bao vây? Thì, họ chôn những người chết
của họ ngay cạnh chiến hào nơi họ nấp, họ đào ở đó, và chấm hết. Chỉ còn
thấy một nấm đất nhỏ. Tất nhiên, nếu bọn Đức hay các phương tiện của
chúng, qua đó sau chúng tôi, mọi thứ sẽ bị giẫm nát, san bằng. Chỉ còn đất
thường, và không một dấu vết. Thường khi, chúng tôi vùi các xác trong
rừng, dưới các gốc cây. Dưới một cây sồi, dưới một cây bạch dương.
Từ đấy, tôi không thể đi dạo trong rừng. Nhất là nơi có những cây sồi
hay cây bạch dương già. Tôi không thể ngồi ở đấy...”
Olga Vassilievna Korj,
cáng thương ở một đại đội kỵ binh
“Không thể chịu nổi đối với tôi, là việc cắt chân tay... Thường, người ta
cắt cao đến nỗi khi chân đã bị cắt, tôi khó lắm mới bê lên được để đặt vào
chậu. Tôi nhớ nó nặng đến thế nào. Tôi nhấc cái chân lên thật kín đáo để
người thương binh không nghe thấy gì, và tôi ôm trong hai vòng tay tôi như
bế một đứa bé... Nhất là khi cắt cao, xa bên trên gối. Tôi không sao quen
được. Trong các giấc mơ của tôi, tôi bế khệ nệ những chiếc chân...
Tôi không viết chút gì về những cái đó cho mẹ. Tôi nói rằng mọi sự đều
ổn, rằng tôi được mặc ấm và đi giày ấm. Bà có ba con ở ngoài mặt trận.
Thật nặng nề cho bà...”
Maria Silvestrovna Bojok, y tá
“Tôi sinh ra và lớn lên ở Crimée... Gần Odessa. Năm 1941, tôi vừa xong
tú tài, ở trường Slobodka, quận Kordym. Khi chiến tranh bùng nổ, những
ngày đầu tôi nghe radio... Tôi sớm hiểu ra là chúng ta vừa chiến đấu vừa rút
lui. Tôi chạy đến phòng tuyển quân, nhưng người ta đuổi tôi về nhà. Tôi trở
lại đó hai lần, và cả hai lần bị từ chối. Ngày 28 tháng Bảy, các đơn vị vừa