người đọc không khỏi ngạc nhiên và phì cười. Họ phải tự hỏi mình là, liệu,
tác giả đang mơ ngủ, đang mộng du, đang đi ngược thời gian, đi ngược hơn
nửa thế kỷ về trước, ngược về cái thời ông Trường Chinh cặm cụi xào nấu
tài liệu tiếng Pháp ở chiến khu Việt Bắc thành một thứ vũ khí giáo điều,
hay, thậm chí, đi ngược về tận thế kỷ 13, lúc Marco Polo lần mò theo Con
đường tơ lụa để khám phá phương Ðông? Bởi, chỉ cần lật bất cứ bản tin
nào về những xã hội phương Ðông đương đại thì ai cũng có thể cảm nhận
được sự tàn phá ghê gớm của môi trường thiên nhiên, của môi trường xã
hội, cảm nhận được sự băng hoại đáng sợ của những giá trị đạo đức và hay
những giá trị văn hóa truyền thống.
Cái cách chúng ta nhìn về mình, hay xem thế giới nhìn về mình trên
phương diện học thuật cứ là hẹp hòi và thiển cận như thế. Mỗi lần một
trường đại học ngoại quốc mở một tín chỉ về môn Việt Nam học là mỗi lần
báo chí trong nước hí hửng loan tin, và loan tin với một cung cách không
thể không khiến người ta nghĩ rằng đấy hẳn phải là một chuyện gì ghê gớm
lắm, là một vinh dự ghê gớm lắm. Chúng ta lấy làm hoan hỉ khi số lượng
đầu sách hay bài báo viết về Việt Nam của những nhà nghiên cứu nước
ngoài đã lên tới con số ngàn mà không hề nghĩ rằng, với khoa học, nhân
văn hay xã hội, thì có đề tài nào mà không đáng để nghiên cứu. Ðại học
quốc gia Úc đã từng thuận tình cho một luận án tiến sĩ chỉ để nghiên cứu tại
sao cô đào Nicole Kidman lại ly dị anh chàng Tom Cruise, cái công trình
nghiên cứu với mục đích, qua sự tan vỡ của gia đình cụ thể đó, có thể nhận
ra những áp lực của ngành truyền thông đại chúng đối với đời sống gia đình
đương đại
. Dominique Laporte, nhà triết học Pháp, đã từng cặm cụi bỏ
công nghiên cứu cách thức loài người... đi cầu trong từng thời kỳ lịch sử để
viết Lịch sử của cứt, để nhìn lại tiến trình văn minh của nhân loại từ vị trí
của cái nhà tiêu, như là vị trí của cái tôi, cái tôi đầy tính riêng tư
. Trong
cuộc “Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ II” vừa mới diễn ra ở Hà Nội
gần đây, vốn thu hút gần 500 người, trong đó có 123 nhà nghiên cứu ngoại
quốc, những người tham dự đã chưng hửng trước cảnh kết thúc chóng vánh
sau “hơn hai ngày và chưa tròn 15 phút”! “Học” như thế thì học kiểu gì?