Ðấy, quả tình, chẳng qua chỉ là một trò khuếch trương cái sự được chú ý
của mình thế thôi, sự khuếch trương nỗ lực nặn ra một “Hội đồng Quốc tế
Việt Nam học”, như một sự chú ý có cờ có biển, có “fan-club” cho giới
khoa bảng ngoại quốc
. Mà thế giới bên ngoài có phát triển ngành Việt
Nam học, chủ yếu họ cũng phát triển để phục vụ quan hệ đa diện với Việt
Nam, thế nhưng trong khi hoan hỉ khi được thế giới bên ngoài nghiên cứu,
chúng ta lại chẳng hề biểu lộ một nỗ lực đáng kể nào trong việc nghiên cứu
thế giới bên ngoài, dù là nghiên cứu để hòa nhập hay để đương đầu. Nằm
sát nách Trung Quốc, liên miên chịu đựng áp lực của Trung Quốc, vậy mà
chúng ta chẳng hề nghe ai đá động đến đến sự tồn tại đáng để ý của bộ môn
“Trung Quốc học” trong một viện nghiên cứu hay trong một trường đại học
nào. Chúng ta làm như thể nghiên cứu mình và đến với mình là nghĩa vụ
của người ngoài, còn họ thì, hầu như, không có gì đáng để chúng ta phải
học, dù đó là kẻ thù mà chúng ta nơm nớp theo dõi, dù đó là những đối
tượng dồi dào cơ hội mà chúng ta cần phải cầu cạnh để giao thương. Mà,
xét cho cùng, mãi tới nay, chủ yếu, cái mà chúng ta gây đình gây đám và
khiến giới học thuật thế giới chú ý cũng chỉ là di sản của cái trò thí mạng
trước đây chứ không phải là những điều có thể khiến chúng ta trở nên
“người” hơn. Ðến các thư viện hay lật các thư mục ngoại quốc để tìm các
tài liệu về ngày Tết, chúng ta khó mà tìm cho ra cái Tết của sự hội ngộ sum
vầy mà, thay vào đó, chỉ thấy một rừng...“Tet Offensive”, cái mùa xuân
nhuộm máu và khét lửa năm 1968, cái mùa xuân ngập ngụa những “hố hầm
chôn xác anh em”.
Lời hát kia của Trịnh Công Sơn làm tôi nghĩ đến một giọng ca phản chiến
khác, Joan Beaz, nữ ca sĩ dân ca Mỹ với giọng soprano trong trẻo và chân
phương từng xả thân trong những hoạt động phản chiến và nhân quyền. Ðời
cô, như thế, trong phối cảnh của chúng ta, đã bị phân cách làm hai theo sự
kết thúc của cuộc chiến để rồi, ở phía bên này, chúng ta hoan hỉ bằng lòng
với nửa trước và hậm hực căm ghét với nửa sau thì, từ phía bên kia, chúng
ta lại hoan hỉ ở nửa sau mà ấm ức với nửa phần phía trước. Nếu lịch sử là
những câu chuyện mang tính tự sự về quá khứ thì pho tự sự về quá khứ