chính sự câm nín của Paco. Độc giả còn tiếp tục hoang mang khi Paco nói
với người tài xế: "Càng đi xa về miền tây chừng nào, càng ít bullshit chừng
ấy". Tại sao phải đi xa về miền tây? Cái gì là "bullshit"? Sự đột nhập kỳ
quái của Cathy vào cuộc sống bình thường của anh là "bullshit"? Sự sống
lại của mặc cảm tội lỗi là "bullshit"? Hay đoạn nhật ký vô tình nhắc đến cái
đau đớn thể xác của anh là "bullshit"?
Lối viết đa quan điểm của Heinemann phù hợp với quan niệm thẩm mỹ hậu
hiện đại: tác phẩm chỉ trình bày toàn khối của câu chuyện, với tất cả những
chi tiết phức tạp của nó được nhìn từ nhiều quan điểm khác nhau; tác giả
không chủ tâm đưa ra một phán xét chung cuộc nào cả; và độc giả phải đối
diện với vô số khả thể diễn dịch. Lối viết hậu hiện đại này, sau đó, được
thực hiện và đẩy xa hơn bởi một số nhà văn viết về chiến tranh Việt Nam,
với những bút pháp đầy uyển chuyển và sáng tạo.
*
Theo tôi, có lẽ trong số những nhà viết tiểu thuyết hậu hiện đại về chiến
tranh Việt Nam, Tim O Brien là khuôn mặt đáng lưu ý nhất, đặc biệt với
tiểu thuyết The Things They Carried (1990).
Tim O Brien cũng là một cựu quân nhân Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam.
Giải ngũ và trở về nước vào năm 1970, đến năm 1973, O Brien xuất bản
một cuốn ký sự chiến trường dưới nhan đề If I Die in a Combat Zone: Box
Me Up anh Ship Me Home. Năm 1975, ông cho ra đời tiểu thuyết đầu tay
Northern Lights. Đây là một thứ tiểu thuyết luận đề, sử dụng lối viết hiện
thực chủ nghĩa để diễn tả sự xung đột và hoà giải giữa hai quan điểm đối
lập về cuộc chiến Việt Nam. Đến năm 1978, ông tung ra tiểu thuyết kế tiếp
Going After Cacciato, vẫn lấy đề tài chiến tranh Việt Nam, nhưng sử dụng
lối viết hiện thực thần kỳ để xoá nhoà ranh giới giữa hiện thực và tưởng
tượng. Tiểu thuyết này đoạt giải National Book Award năm 1979. Sau đó,
ông viết cuốn Nuclear Age (1984), hoàn toàn không chạm đến chiến tranh
Việt Nam. Đến năm 1990, ông trở lại với đề tài chiến tranh Việt Nam với
tiểu thuyết The Things They Carried. Tiểu thuyết này gồm 22 chương,