Đoạn văn trên có vẻ chẳng có tác dụng gì ngoài việc góp phần thuyết phục
độc giả tin vào sự có thực của câu chuyện sắp được xem. Tuy nhiên, nếu
độc giả tò mò tra cứu thêm thì sẽ thấy John Ransom là một quân nhân bị
bắt làm tù binh ở miền Đông Tennessee vào năm1863, và cuộc chiến vừa
qua là cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ (1861-1865). Khi đã nhận ra điều này, có lẽ
độc giả phải tự hỏi tại sao Tim O Brien lại in đoạn trích ấy vào sách này.
Lời xác tín về cuốn hồi ký của một tù binh trong một cuộc chiến trước đây
hơn một thế kỷ thì có giá trị gì đối một tiểu thuyết viết về chiến tranh Việt
Nam hôm nay?
Thật ra, tất cả những điều trên đây đều nằm trong kế hoạch của O Brien.
Ngay từ đầu, ông muốn gài độc giả vào chiếc bẫy "Sự Có Thật", để rồi sau
đó ông sẽ dần dần tạo ra một trò chơi trên chính ý niệm về "Sự Có Thật".
Đọc dòng chữ đầu tiên của chương 1, độc giả sẽ nhận ra ngay danh tính của
một người trong danh sách người được tác giả yêu mến đề tặng: Jimmy
Cross. Độc giả ắt hẳn phải thắc mắc: Jimmy Cross là nhân vật hư cấu hay là
một người có thật? Phải chăng đây là sự trùng tên? Chẳng phải tác giả đã
tuyên bố từ đầu sách rằng tất cả nhân vật trong sách đều là giả tưởng?
Thế rồi, độc giả sẽ còn ngạc nhiên hơn khi thấy tất cả những người khác có
tên trong danh sách đề tặng cũng đều xuất hiện ngay ở trang kế tiếp:
Norman Bowker, Rat Kiley, Mitchell Sanders, Henry Dobbins, và Kiowa.
Trò chơi bắt đầu từ đây và tràn lan suốt tác phẩm. Những chi tiết ngoạn
mục của trò chơi này nhiều vô kể, nhưng tôi chỉ xin được đề cập đến một
chi tiết: cái chết của một anh Việt Cộng trẻ.
Ở chương 3, cái chết của anh Việt Cộng được kể như sau:
Một cậu trai trẻ chừng hai mươi tuổi, thon gọn, dễ thương, nằm chết.
Kiowa nói, Không có sự chọn lựa, Tim à. Mày có thể làm gì khác hơn chứ?
Kiowa nói, Đúng không?
Kiowa nói, Trả lời tao đi. (tr.49)
Tim ở đây là Tim O Brien, người lính trùng tên với tác giả, hoặc chính là