và trung thực những sự kiện đã xảy ra; tính hư cấu không có giới hạn,
nhưng phải phục vụ để xây dựng một "hiện thực khả tín". Những đặc điểm
này đã tạo ảnh hưởng lớn lên đa số nhà văn đương đại.
Heinemann và O Brien là những cây bút viết "truyện chiến tranh" hậu hiện
đại. Cùng với những cây bút đồng thời như Al Santoli, Michael Herr và
Neil Sheeham họ gạt bỏ lối viết mô tả hiện thực theo trật tự tuyến tính: họ
viết theo lối đa thanh, đa tuyến, truyện-trong-truyện, truyện-về-truyện,
nhảy quãng, lập lại, đảo ngược thời gian, thần kỳ hoá hiện thực. Họ phá vỡ
ý niệm về thể loại: họ đem cả thơ, tiểu luận, nhiếp ảnh, bản tin, đồ hoạ,
thực đơn..., và mọi phương tiện khả dụng vào truyện. Họ không muốn đưa
ra một chọn lựa rõ ràng nào giữa những quan điểm đối lập sẵn có về chiến
tranh: họ đi giữa và đi trên những quan điểm ấy, cho phép những quan điểm
ấy giao thoa tự nhiên và đối tác biện chứng. Họ không còn cố gắng vẽ lại
thực trạng chiến tranh một cách có trật tự, mà để tác phẩm phát triển tự
nhiên theo những dẫn dắt ngẫu nhiên của các sự kiện hư cấu. Độc giả phải
lách mình qua những khối sự kiện chồng chéo ấy để tự vẽ bản đồ cho mình.
Nhân vật chính không còn nhất thiết là chứng nhân và kẻ tường trình trung
thực nữa, mà lời tường trình có thể đến từ bất cứ nơi nào khác, và có thể
mâu thuẫn liên tục, thậm chí tác giả có thể nhảy vào truyện, đóng vai một
nhân vật, và bình phẩm bất cứ lời tường trình nào. Và quan trọng hơn hết là
ý thức phản tỉnh cao độ của các tác giả về bút pháp: họ không ngừng phát
hiện những cách kể khác nhau; điều được kể nhiều khi không còn quan
trọng bằng cách kể, vì chính sự phong phú vô hạn của cách kể nhiều khi có
khả năng biểu lộ những sự thật sâu sắc hơn về cuộc chiến Việt Nam so với
những sự kiện ngập ngụa trên báo chí và trong đủ thứ sách vở về lịch sử và
chính trị.
Như thế, trong gần hai thập niên trở lại đây, văn chương về chiến tranh Việt
Nam đã chứng tỏ có những nỗ lực sáng tạo bút pháp mới mang tính cách
thẩm mỹ hậu hiện đại. Những nỗ lực này được thực hiện qua vô số cách thế
khác nhau không chỉ nhằm diễn tả sự phức tạp cao độ của thực trạng cuộc
chiến và tâm cảm con người trong cuộc chiến, mà còn nhằm làm thay đổi
những khuôn sáo thẩm mỹ của truyền thống "truyện chiến tranh" của thời