Cũng trong tinh thần trên, tướng Dương Văn Minh phải được coi là
một anh hùng. Không có thắng bại, chỉ có sự thể hiện tinh thần trách
nhiệm, những mệnh lệnh oan nghiệt thời chiến và lòng nhân từ của
một vị tướng, trong một hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử dân tộc.
2. Tự tôn và tự ti
Về mặc cảm của binh lính, thường dân, “phó thường dân”: Mặc cảm là
tập hợp những xu hướng tâm lý trong trạng thái xung đột lẫn nhau và
gây ảnh hưởng một cách vô thức, lên thái độ, cử chỉ của một cá nhân.
Về mặt phân tâm học, Bleuler và sau đó Freud, cách đây 80, 90 năm,
đã nói tới những mặc cảm thường thấy thời thơ ấu của đứa trẻ như
mặc cảm Oedipe (con gái yêu cha ghét mẹ, con trai yêu mẹ ghét cha),
mặc cảm bị thiến (lo sợ vì không có dương vật – ở con gái - hoặc bị
cắt bỏ mất dương vật - ở con trai- , mặc cảm dứt sữa (thiếu hụt, mất
mát thứ đáng lẽ mình vẫn có) v.v. Mặc cảm được hình thành thời thơ
ấu từ một nhân vật, một hoàn cảnh cụ thể; nếu không được giải quyết
ổn thỏa nghĩa là tách khỏi, vượt qua nhân vật hoặc hoàn cảnh gây mặc
cảm, nó có thể để lại những dấu ấn tâm lý tai hại, ảnh hưởng suốt tuổi
trưởng thành sau này (thí dụ, mặc cảm Oedipe).
Mặc cảm “trốn chạy khỏi tổ quốc” là một loại mặc cảm đặc biệt, nó
vượt khỏi những mặc cảm tâm lý thông thường được Bleuler và Freud
nói tới. Nó liên hệ tới mặc cảm phạm tội, sự bù trừ, tự tôn- tự ti, vô
thức tập thể, thuộc phân tâm học của Jung và Adler. Tổ quốc, quê
hương, nhân dân, dân tộc, đồng bào, truyền thống, thần thoại, những
giá trị văn hóa lịch sử, bản sắc, cá tính dân tộc v.v., tất cả tạo thành
một toàn khối rất mơ hồ trừu tượng nhưng cũng rất cụ thể sinh động,