Thơ anh nhiều những câu như vậy. Trong dàn đồng ca thơ chống Mỹ với
hai giọng cao lĩnh xướng là Tố Hữu và Chế Lan Viên, một giọng thơ như
thế của Lưu Quang Vũ không có chỗ, và anh cũng không muốn có chỗ
trong đấy.
Bản thân Chế Lan Viên cuối đời cũng đã ngộ ra được giọng cao chỉ là hô
hào, cổ vũ, còn để nói được chuyện đời thì thơ phải nói giọng trầm. Theo
ông thơ thời đó là sông Hồng vạm vỡ, nhưng “thiếu đi một tiếng thương
thầm”, cần phải để “dòng Thương thương hộ, dù nửa dòng bên đục bên
trong”. Ông đã tự vấn, tự buộc tội mình của một thời cao giọng trong thơ
như vậy.
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ.
(Ai? Tôi?)
Chế Lan Viên ý thức được thơ chống Mỹ là phải thế nhưng vẫn ngậm ngùi:
Ở đất nước ba tuổi đã rời nôi lên ngựa sắt
Tuổi trẻ chơi lau đã chơi trò đánh giặc
Kiếm làm cho con rùa không thể yên thân trong cuộc sống thường…
Thơ chỉ sống một phần cho mình còn ba phần cho nhiệm vụ
Nghĩ mà thương!
(Sử)
Và ông dặn lại hậu thế mai này đọc thơ ông thì phải trừ đi:
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu! Một nửa
Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi
Giết một tiếng đau - giết một tiếng cười
Giết một kỷ niệm - giết một ước mơ – tôi giết