Cái cánh sắp bay - trước khi tôi viết
Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời lên trên biển - Giết mưa
Và giết cả cỏ trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi.
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi - Người có lỗi
Đã phải giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình
Tiếng nói của một người trong cuộc đáng để suy ngẫm và thêm một luận cứ
để xét đoán thơ một thời khi thời đó đã qua.
2.
Thực ra khái niệm “Thơ chống Mỹ” (cũng như “Thơ chống Pháp”) đã bó
hẹp phạm vi vấn đề, nội hàm của nó đã bị thu vào chữ “chống”. Cho nên dễ
hiểu là những gì viết ra không trực tiếp chống (kẻ thù), hay có thể bị coi là
làm suy yếu tinh thần chống (kẻ thù) đều bị phê phán, loại trừ, như đã nói
trên. Là chống nên đối tượng rất rõ ràng, thái độ của chủ thể nhà thơ và
nhân vật trữ tình rất rõ ràng. Và như thế thơ phiến diện là điều cũng rất rõ
ràng. Có lẽ ở đây, để bao quát được hết các hiện tượng văn học như đã diễn
ra trong thực tế, nên chăng dùng khái niệm “Thơ chiến tranh” (rộng ra là
“Văn học chiến tranh”). Khi nói thơ chiến tranh thì cảm hứng và âm điệu
chủ yếu là cái bi, có hùng thì cũng là cái hùng trong bi. Thơ chiến tranh có
ở cả hai miền trong thời chia cắt đất nước. Hai mươi năm chiến tranh bom
đạn máu lửa xương thịt, các nhà thơ ở hai miền đều đã dấn thân, nhập cuộc
và thơ của họ đều xoáy vào số phận đất nước và cá nhân (cố nhiên, mỗi bên
theo cách của mình). Nhìn tổng thể, thơ miền Bắc hào hùng ngợi ca; thơ
miền Nam bi phẫn đau đớn.