chắc chắn, nhìn chung họ sẽ tuân thủ những cam kết bảo mật thường lệ.
Tuy nhiên, họ chỉ là những cảnh sát bình thường không hề có kinh nghiệm
về mức độ bảo mật cần thiết trong những tình huống này. Hơn nữa, còn có
các nhân viên tại bệnh viện Rikshospital, nhân viên hàng không, nhân viên
Công ty Thu phí Giao thông Fjellinje AS và khách sạn Plaza, tất cả những
người mà, ít nhiều gì cũng có lý do để nghi ngờ về chuyện xảy ra. Cũng
chẳng có gì bảo đảm rằng đoàn mô tô hộ tống không bị theo dõi bằng ống
nhòm từ một tòa nhà xung quanh. Một tiếng từ bất kỳ ai có liên quan đến
việc này và…” ông phồng má lên biểu thị một sự bùng nổ.
Quanh bàn mọi người im bặt đi cho đến khi Meller hắng giọng.
“Vậy tại sao lại… à… nguy hiểm đến vậy nếu tin này bị lộ ra ngoài?”
Brandhaug gật đầu cho thấy rằng đây không phải câu hỏi ngu ngốc nhất
ông từng nghe, ngay lập tức tạo cho Meller cái cảm giác như đã định rằng
điều đó đúng là như vậy.
“Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ còn hơn cả một đồng minh!” Brandhaug nói
kèm một nụ cười khó hiểu. Ông nói với ngữ điệu ta dùng để giải thích cho
một người không phải dân Na Uy rằng Na Uy có vua, rằng thủ đô của nó là
Oslo.
“Năm 1920, Na Uy là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, và
có khả năng vẫn là như thế, nếu không nhờ có sự trợ giúp của Mỹ. Hãy
quên hết mỹ từ của các chính trị gia đi. Di dân, Chương trình Viện trợ
Marshall, Elvis và viện trợ tài chính đầu cơ dầu mỏ đã biến Na Uy thành có
lẽ là một trong những nước thân Mỹ nhất trên thế giới. Ai trong số chúng ta
ngồi đây cũng đều đã phải phấn đấu nhiều năm mới đạt được địa vị sự
nghiệp ngày hôm nay. Nhưng nếu chuyện đến tai các chính trị gia của
chúng ta rằng ai đó trong phòng này chịu trách nhiệm về việc gây nguy
hiểm cho tính mạng tổng thống…”
Brandhaug để phần câu còn lại lửng lơ trong không khí, đảo mắt qua
khắp bàn.
“May mắn cho chúng ta,” ông nói. “Người Mỹ họ thà thừa nhận một trục
trặc với một mật vụ của họ hơn là thừa nhận sự thiếu hợp tác căn bản với
một trong những đồng minh thân cận nhất!”