sung sướng vừa sợ hãi quỳ xuống sàn khi người kia đặt chân vào ngưỡng
cửa:
- Kính chào quan đồng chí ạ!
- Chào ông Phù. - Tố vội đỡ hai tay ông Phù dậy. - Ông đừng gọi tôi
như thế. Cứ gọi tôi là cán bộ.
- Dạ, thưa quan... À thưa cán bộ, em không được biết, cán bộ... thứ lỗi
cho. - Đứng dậy, chân tay vẫn còn run, ông Phù líu cả lưỡi. - Dạ, thưa cán
bộ, đã mấy lần em gặp ông Yểng, em có ngỏ ý xin được gặp ngài. Nay ngài
lại hạ cố đến, thật là quá điều mong ước của em.
Nói xong câu ấy, ông Phù thở dốc một hồi, đoạn với siêu nước sôi rót
vào cái ấm tích men trắng bóng và liếc nhìn Tố. Thấy anh có dáng vẻ giản dị
trong bộ quần áo chàm cũng như mình, lại gầy gò, xanh xao, ông thấy mình
có chút bình tĩnh trở lại. Ngồi xuống chiếc ghế mây, khoanh hai tay trước
ngực, ông bắt đầu vào chuyện:
- Dạ lòng em như nước lã đổ chén nước trong. Em thực không có ác
tâm. Chẳng qua là vì ở trên họ bó buộc, thúc ép em. Chứ thời buổi nào cũng
lấy dân là quý chứ ạ. Quan to, quan nhỏ gì thì cũng nhất thời thôi, chứ vạn
đại là dân, em nói thế có đúng không ạ?
- Ông Phù này...
- Dạ. Thú thật với ngài, rằng thì là xưa em cũng trót đi lính cho Tây.
Nhưng rồng là rồng, ngan là ngan, quỷ thần chứng giám cho em. Nguyên do
là thế này, em đi ở rể nhà ông Phó O ở Gia Phù. Con trai ông đến phiên đi.
Thương anh ấy có vợ mới đẻ, em mới đành phải đi thay. Dà, đi lính cho Tây,
tiếng là có lương, nhưng khổ nhục hết chỗ nói ạ.
Tố khẽ gật đầu: