- Đúng! Lần này hắn có sang, chắc chắn là ta và đệ sẽ phải “làm lông”
hắn. - Nguyễn Khoái cười đáp.
- Nếu quả đúng như thế thì tối nay, tôi sẽ không lấy tiền các vị.
- Việc đuổi hắn, thậm chí là “làm lông” hắn như hiền huynh ta nói là việc
của triều đình giao cho chúng ta. Còn việc chúng ăn uống ở đây thì phải trả
tiền sòng phẳng.
- À, vừa rồi vị khách - lão chủ quán định gọi Nguyễn Chế Nghĩa là “Thổ
mừ”, may chữa lại thành -… trẻ tuổi có khoe chiếc sừng tê giác gia truyền.
Bây giờ có thể cho tôi ngó qua một tí được chăng?
- Được chứ! - Nói rồi Nguyễn Chế Nghĩa thò tay lấy ở chiếc túi thổ cẩm
vẫn đeo trên nách trái ra một chiếc sừng gốc to như gốc măng, nhưng
không mọc thẳng, mà đến nửa chừng thì bẻ cong cong xuống, rồi chàng
giải thích. - Đây là sừng con tê giác già đến bẩy mươi năm. Thường loài tê
giác chỉ sống được khoảng trên dưới sáu chục năm. Sừng tê tốt phải là sừng
của con bốn chục tuổi trở lên.
- Công dụng thế nào mà các vị vua chúa “tôn sùng” nó thế?
Viên chủ quán hiếu kỳ hỏi.
- À, thực ra công dụng của nó cũng thường thôi! Chủ yếu là do đồn thổi
mà nên. Tuy nhiên đầu tiên, công dụng của nó là sát độc. Trước khi con tê
giác uống nước nó thường lấy sừng thả xuống, ngoáy một lúc cho nước tiêu
các tạp chất bẩn hoặc các loại lá độc như lá han, lá lim, rồi mới uống. Công
dụng thứ hai chữa mụn nhọt sốt cao. Chỉ cần mài ra một chút nước trắng
như nước vo gạo, trẻ con mụn nhọt hoặc sốt cao uống vào là khỏi liền…
Còn các vua chúa thì đồn rằng, mài sừng tê ra uống hàng ngày có thể ân ái
với cả chục mỹ nhân một đêm mà không hề mệt mỏi. Bởi thế các triều đình
phong kiến phương Bắc thường bắt ta phải cống sừng tê cho bọn họ.
- À, ra thế! Hèn nào mà Ô Mã Nhi có cả một tá cô đầm non Tiểu Nga,
mà vẫn khỏe như vâm…
- Ấy là chuyện đồn thổi thôi! - Nguyễn Chế Nghĩa giải thích tiếp.