Thấy hắn thực lòng, ông đồng ý đặt tên cho hắn là “Hoàn Lương”. Sau
thấy không tiện đổi thành Hoàng Lương. Hoàng Lương có chút ít võ nghệ,
có tài sử dụng một thanh “quất đồng” (roi đồng) tương đối khá. Lúc đó con
chị Cả Lưu cũng đã đủ mười lăm, mười sáu nên bảo Hoàng Lương:
- Cậu dạy cho cháu một vài miếng… để có lúc phải phòng thân.
Hoàng Lương vâng lời, dạy cho cậu cả quyền cước và bài roi mười tám
đường. Với võ nghệ ấy, chưa thể làm được nên “cơm cháo gì”, nhưng cũng
có thể đánh được vài ba tên lính. Bởi thế khi quân của Trần Khánh Dư đến
lấp mương dẫn nước, nó đã dẫn gia nhân ra ngăn cản. Nó nói rất có lý:
- Ruộng là ruộng của Nhân Huệ vương thật. Nhưng mương nước là của
chung, của hương của làng. Các anh không có quyền lấp.
Rồi nó sai gia nhân khai trở lại. Hai bên xô xát, nó rút thanh quất bằng
đồng ở sau vai, vung mấy đường khiến ba tên lính bị thương, đứa vỡ đầu
chảy máu, đứa gãy tay.
Trần Khánh Dư hay tin thì lửa giận bốc lên ngùn ngụt. Có lẽ chưa bao
giờ Khánh Dư thấy “bức bối” như lúc này liền sai lính dắt con ngựa trắng
ra, con chim ưng cũng đi theo, đậu trên vai.
Khánh Dư xuống ngựa quát:
- Đứa nào dám đánh lính của bản vương bị thương!
Lúc này chị Cả Lưu và Hoàng Lương có việc không có nhà. Cậu cả dẫn
gia nhân ra quát lại:
- Chính là ta. Ông có bản lĩnh gì thì hãy giở ra đi!
Trần Khánh Dư điên tiết, rút thanh trường kiếm ra, cũng định chỉ “cảnh
cáo” cho hắn một mũi vào vai, vào đùi, hay chỗ nào đó không thể mất
mạng được. Nhưng chàng thanh niên quá hăng lại không lượng được sức
mình, lăn xả vào vung quất đánh. Khánh Dư né qua mặt, đưa một đường
kiếm thẳng. Cậu thanh niên không tránh được, vô tình lưỡi kiếm xuyên qua
ngực, gục xuống chết liền. Khánh Dư cũng sợ hãi vội nhảy vọt lên con
ngựa trắng phi về kinh thành.