- À, ra thế! Bây giờ thì em đã hiểu. Thì ra Tiết chế muốn huy động vật
lực của các hào phú nên mới nghĩ ra cách “bán tước” đó. Chỉ có lợi chứ
chẳng có hại gì.
- Thế chú có thích nghe nghị kể chuyện chị đi “mua giống” để sinh ra cái
thằng “cún con” này không?
- Nếu chị thấy không có gì ngại thì em sẵn sàng nghe.
- Vốn là vào tiết thu năm ngoái, chị với đám gia nhân lên bến Bình Than
mua than và củi cho cha chị đốt lò gốm. Hôm ấy trời mưa dầm dề đến não
lòng. Từ trong quán nhìn ra chị thấy một chàng trung niên, áo tơi, nón lá
ngồi bên con thuyền ngáp dài vẻ não nề lắm. Con chim ưng cực lớn bằng
con ngỗng ấy! Lông đỏ, mỏ quặp lúc nhảy lên nóc thuyền, lúc chuyền trên
vai người đàn ông đó. Bên cạnh anh ta còn có thanh kiếm dài vỏ bạc. Chị
ngắm kỹ thấy người này cũng có vẻ “tráng sĩ” lắm! Chắc thất cơ lỡ vật thế
nào mới phải làm cái nghề đốt than thế này. Chị cho một viên đầy tớ ra mời
anh ta vào quán. Anh ta đứng dậy, vươn vai một cái, dáng vẻ đờ đẫn lúc
trước vụt biến đi đâu mất. Một người cao lớn, xách kiếm hiên ngang bước
vào.
- Xin chào tráng sĩ. - Chị lên tiếng trước. - Tôi có đôi điều muốn làm
phiền tráng sĩ có được chăng?
- Cần gì chị cứ nói - Giọng anh ta đanh gọn và rất sang, khác với vẻ mặt
lem luốc cùng chiếc áo tơi, nón lá trên mình.
- Xin mời tráng sĩ cởi áo tơi rồi ngồi xuống, dần dà tôi xin thưa chuyện.
Anh ta cởi áo tơi, nón lá để gọn vào một góc và ngồi xuống ghế đối diện
với chị, thanh trường kiếm vỏ bạc đặt trên bàn.
Chị bảo gia nhân rót một bát rượu lớn mời nhưng anh ta gạt sang một
bên và bảo:
- Tôi không uống rượu bố thí khi chưa biết lý do.
- À, tôi muốn mua một thứ… không biết tráng sĩ có bán không? - Chị rắn
rỏi đặt vấn đề.