I’ m yellow
Ga Hàng Cỏ mười hai giờ đêm.
Tôi đợi tàu. Tôi mặc một áo sơ mi. Khăn, mũ, áo len, áo khoác trong
túi du lịch. Tôi lo tàu đến ga khi tôi đang ngủ. Tôi không dám ngồi. Tôi biết
chỉ cần một bậc thềm là tôi cũng sẽ ngủ ngon lành. Tôi không đi hỏi giờ
tàu. Tôi cũng không đi mua vé tàu. Tôi lo ông trưởng tàu thổi còi rồi mà tôi
vẫn ở trong phòng vé. Tôi lo giá vé tăng năm lần từ năm năm nay. Tôi lo
tiền Việt lạm phát năm mươi lần từ ngày tranh tôi được khách du lịch nước
ngoài mang về làm lưu niệm. Tôi lo xếp hàng hai tiếng mới đến lượt . Tôi
lo nói nhầm mua một vé đi Hà Nội, xuống ga Hàng Cỏ chứ không phải ga
Yên Viên. Cô bán vé sẽ cầm mi-cờ-rô gọi đội bảo vệ. Tám nhân viên sẽ xúm
lại nhét cổ tay tôi vào một ổ khóa số tám, nhét toàn bộ thân thể tôi vào một
cái xe ô tô trùm kín rồi chở cả người cả khóa sang bệnh viện thần kinh
Trâu Quỳ. Tám giờ tối ngày mai, xem xong chương trình văn hóa nghệ
thuật ở đài truyền hình Hà Nội, nhận được điện thoại, Loan mới mang hộ
khẩu và hồ sơ bệnh án của tôi tới gặp giám đốc bệnh viện. Vết nứt ở hộp
sọ, bệnh viện Hà Nội còn trả lại thì bệnh viện Trâu Quỳ cũng chẳng có lý
do gì mà giữ. Tôi sẽ theo Loan về điều trị tại gia. Mọi việc sẽ trở lại như
cũ. Bản hợp đồng đã hủy hóa ra vẫn còn hiệu lực. Còn hiệu lực đến bao
giờ, tôi không dám nghĩ tiếp.
Loan rất ghét ngồi tàu. Cô ấy bảo không muốn dính dáng tới ngành
đường sắt. Khi tranh tôi chưa bước được vào gallery thì chúng tôi chỉ
quanh quẩn Hà Nội. Khi tranh tôi bắt đầu được năm chục đô la một bức,
Loan bảo phải về quê ra mắt họ hàng. Họ hàng không trách móc gì. Họ
hàng vẫn gửi cho vải thiều và bánh đậu xanh. Nhưng phải ra mắt. Cô ấy
gọi hai xe ôm. Hai tiếng sau, hai cái xe đã đỗ trước cổng nhà ở thị xã Hải
Dương. Chúng tôi vào chào hỏi mấy chục người trong gia đình Loan, ăn