đút vào túi du lịch sáng mai tàu tới London bỏ ra ăn nốt. Một cái bánh mì ở
London mua được ba cái bánh mì ở Pháp, mua được ba trăm cái bánh mì ở
Việt Nam.
Tôi tự nhắc không được mất cảnh giác. Lý lịch ẩm thực của chị ta vô
địch thật nhưng không chỉ họa sĩ mới có biệt tài tự quảng cáo. Tôi hỏi còn
vấn đề tiện nghi. Chị ta bảo tôi chỉ nên lo lắng cho bản thân mình. Chị ta
đã có thói quen gật gù ba tiếng một ngày ngay giữa những giờ buồn ngủ
nhất, ngay giữa những lúc đổi xe buýt chuyển tàu hỏa gay cấn nhất. Chị ta
cũng không lạ gì cảnh đang ăn cơm thì mất điện, đang tắm thì hết nước
nóng, đang dưới âm độ thì lò sưởi nằm quay đơ.
Tôi nhìn chị ta nghi ngờ. Tôi đã từng ở Đồng Hới. Tôi đã biết tại sao
thằng Đồng Hới đen nhất trong hội ba mươi thằng nhảy tàu chuyên nghiệp.
Nhưng nhiệt độ dưới âm thì tôi chịu. Làm sao chị ta có thể lăn ra giữa
ngăn đá tủ lạnh mà ngủ. Tôi hỏi chị ta là ai để tôi có thể tin được. Chị ta
bảo tôi sẽ thấy, chị ta không là cái gì nhưng là bạn đồng hành dễ tính nhất.
Tôi bảo chị ta có điều kiện gì thì cứ đặt. Chị ta bảo đi đâu cũng được
nhưng không đến Chợ Lớn. Tôi nhún vai. Tôi chẳng có lý do nào để đến
Chợ Lớn. Chị ta bảo làm gì cũng được nhưng không biến tôi thành thụy.
Tôi hỏi thụy là cái gì. Chị ta bảo thụy là điều bí ẩn chứa những điều bí ẩn.
Chỉ phút hấp hối chị ta mới hiểu được thụy. Tôi nhún vai. Có sống tới một
trăm tuổi tôi cũng còn nhiều điều chưa kịp hiểu.
Sông không đủ rộng. Nước không đủ trong. Tôi cũng không đủ dũng
cảm bơi sang bờ bên kia. Chị ta bảo tôi đi đâu cho chị ta theo với. Chị ta
tha thiết. Mặt khó đăm đăm nhưng giọng không đến nỗi. Tôi bỏ thuốc ra
hút.
Chúng tôi leo lên đò, đi bộ thêm một ngày nữa, hai ngày nữa, một
tuần nữa, rồi bao lâu tôi cũng không biết. Tôi không nhất thiết phải biết.
Chị ta cũng không hỏi. Ngần ấy ngày qua không mở miệng nói câu nào.
Chúng tôi bước mải miết. Ngày đi đêm nghỉ. Những con sông ở lại sau
lưng. Những cánh rừng ở lại sau lưng. Hà Nội đã hoàn toàn ở sau lưng.