kiên định về chính sách thông qua nhiều thế hệ, đó là giới quý tộc La Mã
và Venice. Tuy nhiên ở Venice, dẫu cho giới hưởng đặc quyền khá đông
người, việc điều hành công việc thực sự được tập trung chặt chẽ nơi một
tập đoàn đầu não nhỏ nằm trong cái tập đoàn đầu não [lớn], mà toàn bộ
cuộc sống của họ được dành trọn cho việc nghiên cứu và điều khiển công
việc nhà nước. Chính thể La Mã chia sẻ nhiều hơn tính cách của một chế độ
quý tộc mở, giống như chế độ của chúng ta. Thế nhưng cơ quan cầm quyền
thực sự, Thượng nghị viện (Senate), nói chung chỉ gồm duy nhất những
người đã từng trải qua các chức vụ công, và những người hoặc là đã giữ,
hoặc là đang chờ để giữ những chức vụ cao hơn của nhà nước, những
người này nhận mối hiểm nguy phải chịu trách nhiệm nghiêm khắc vì thiếu
khả năng và thất bại [trong công việc]. Một khi đã trở thành Thượng nghị sĩ
là họ nguyện hiến đời mình cho việc điều hành các công vụ; họ thậm chí
không được phép rời khỏi nước Italia, ngoại trừ trường hợp để thực hiện
một công vụ; họ vẫn duy trì quyền lực và trách nhiệm của họ cho đến hết
đời, trừ phi bị loại ra khỏi Thượng viện bởi những người giám sát do tính
cách hay hạnh kiểm bị cho là đáng hổ thẹn. Trong một chế độ quý tộc được
thiết lập như vậy, mỗi thành viên đều cảm nhận được tầm quan trọng cá
nhân của mình hoàn toàn gắn chặt với phẩm giá và sự đánh giá của toàn thể
nhân dân mà họ cai trị, và với vai trò mà họ có thể thể hiện trong các hội
đồng. Phẩm giá và uy tín này của Thượng nghị viện hoàn toàn không liên
quan gì tới sự thịnh vượng hay hạnh phúc của toàn thể khối công dân, và
thường khi còn hoàn toàn không tương thích với nó. Nhưng chúng bị ràng
buộc chặt chẽ với sự thành công bên ngoài và sự bành trướng của Nhà
nước: nhờ theo đuổi mục tiêu hầu như duy nhất ấy mà các chế độ quý tộc
của cả La Mã lẫn Venice đã biểu lộ ra một cách hệ thống đường lối hành
động tập thể khôn ngoan và những tài năng cá nhân lớn lao cho việc cai trị,
do những điều đó mà lịch sử đã ghi nhận sự vẻ vang cho các chế độ ấy một
cách xứng đáng.
Vậy hình như những chính thể duy nhất, không có tính chất đại diện,
dù dưới hình thức chế độ quân chủ hay quý tộc, mà có được kỹ xảo và khả