nhất khả dĩ dựa vào được để thuyết phục những người thích đáng nhất chịu
nhận lấy sự trói buộc của việc cai trị, ấy là nỗi e ngại sẽ bị cai trị bởi
những người xấu xa.” (Chương X).
b) Hoạt động của bộ phận hành pháp
J. S. Mill dành chương XIV để bàn về hoạt động của bộ phận hành
pháp trong Chính thể đại diện. Ông cho rằng cách thức phân chia các ban
ngành như thế nào cho tiện lợi là tùy thuộc tình hình cụ thể của mỗi quốc
gia, nhưng cần phải tuân thủ một số quy tắc hoạt động để đảm bảo hiệu quả
cho công việc. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân trách nhiệm
rõ ràng; ông khuyên “không nên có nhiều ban hệ độc lập với nhau để giám
sát những bộ phận khác nhau của cùng một toàn thể tự nhiên…” Ông
khẳng định: “Ở đâu mà mục tiêu muốn đạt được là đơn nhất (như là có một
quân đội đầy năng lực) thì quyền uy được ủy nhiệm để đạt được mục tiêu
ấy cũng phải là đơn nhất như vậy.” Ông đặc biệt coi trọng việc xác định
trách nhiệm cá nhân: “Như một quy tắc chung, mỗi chức năng hành pháp,
dù là ở cấp trên hay cấp phụ thuộc, phải là nhiệm vụ được chỉ định của một
cá nhân nào đó. Cần phải để cho tất cả bàn dân thiên hạ đều thấy rõ ai đã
làm mọi việc và do thiếu sót của ai mà mọi việc đã bị bỏ lại không làm
xong. Việc gánh trách nhiệm sẽ là một con số không, một khi không ai biết
người nào phải chịu trách nhiệm.” Ông đặc biệt phê phán kiểu cách chịu
trách nhiệm tập thể: “Sự thể sẽ tệ hại nhiều hơn nữa, khi bản thân hành
động chỉ xuất phát từ một đa số – như trong trường hợp một Ban hay một
cơ quan – bàn thảo trong cuộc họp kín, không ai được biết, hoặc giả trong
trường hợp đặc biệt nào đó, chẳng ai biết một cá nhân thành viên nào biểu
quyết ủng bộ hay chống lại hành động ấy. Việc gánh trách nhiệm trong
trường hợp này chỉ là danh nghĩa mà thôi. Bentham đã nhận xét thật tài
tình rằng: “Ban bệ là bình phong.” Cái mà “Ban bệ” làm là hành động
chẳng của ai cả; và chẳng có ai bị buộc phải chịu trách nhiệm về hành động
đó.”
Ông nhận xét rằng vị bộ trưởng chỉ là một nhà chính trị đơn thuần, dù
có thể là người có năng lực nhưng thường thiếu tri thức cụ thể trong lĩnh