hưởng mà người bỏ phiếu phải lệ thuộc vào bàn tay của những người khác
hơn là từ phía những lợi ích độc ác và những cảm xúc đáng xấu hổ thuộc về
chính bản thân anh ta, hoặc là mang tính cá nhân, hoặc là như thành viên
của một giai cấp. Đảm bảo an toàn cho anh ta chống lại cái trước với cái
giá phải bỏ đi mọi kiềm chế đối với cái sau hẳn sẽ là đổi một cái xấu nhỏ bé
hơn đang giảm đi để lấy về một cái xấu lớn hơn đang gia tăng. Về đề tài
này và về vấn đề nói chung để áp dụng cho nước Anh thời hiện tại, tôi đã
bày tỏ ý kiến của mình trong một tiểu phẩm về Cải cách Nghị viện mà tôi
cảm thấy không thể cải tiến nó hơn nữa, nên tôi xin mạnh dạn chép lại ra
đây.
“Ba chục năm trước thì vẫn còn đúng là trong bầu cử các thành viên của nghị viện, cái xấu
chủ yếu cần phải đề phòng chống lại là cái mà bỏ phiếu kín sẽ loại trừ được – sự ép buộc bởi
các điền chủ, các ông chủ và những người mua hàng. Hiện nay, theo tôi hiểu, một nguồn gốc
lớn hơn nhiều của cái xấu ấy là thói ích kỷ, hay tính thiên vị ích kỷ, của chính người bỏ phiếu.
Tôi tin rằng việc bỏ phiếu hèn hạ và có hại xảy ra thường xuyên hơn nhiều do lợi ích cá nhân
của người bỏ phiếu, hoặc do lợi ích giai cấp, hoặc do cảm nghĩ ti tiện nào đó trong đầu óc của
anh ta, nhiều hơn là do nỗi e sợ những hậu quả bởi bàn tay của những kẻ khác, và đối với
những ảnh hưởng này thì bỏ phiếu kín hẳn sẽ giúp anh ta dấn thân vào đó mà không phải cảm
thấy chút xấu hổ hay trách nhiệm nào.
Vào những thời còn chưa xa xưa lắm, những giai cấp cao hơn và giàu có hơn nắm toàn bộ
quyền cai trị. Quyền lực của họ là mối bất bình chủ chốt của đất nước. Tập quán bỏ phiếu theo
mệnh lệnh của một ông chủ, hay của điền chủ, được thiết lập thật vững chắc đến nỗi khó có gì
khả dĩ lay chuyển nổi, ngoại trừ sự hăng hái của quần chúng hiếm khi được biết đến nếu
không vì chính nghĩa. Cho nên, một lá phiếu đối lập với những ảnh hưởng ấy nói chung là lá
phiếu trung thực, đầy tinh thần nhân dân; thế nhưng trong bất cứ trường hợp nào và do bất cứ
động cơ nào đi nữa, thì hầu như chắc chắn ấy là lá phiếu tốt, vì đó là lá phiếu chống lại cái ác
to lớn, chống lại ảnh hưởng thống trị của tập đoàn đầu sỏ. Giả sử như vào thời ấy mà người bỏ
phiếu có thể tự do thực thi đặc quyền của mình, thì dẫu họ có không trung thực cũng chẳng
thông minh, điều này hẳn sẽ có lợi lớn cho cải cách; vì nó ắt sẽ bẻ gãy cái ách của quyền lực
cai trị đất nước hồi đó – cái quyền lực đã tạo ra và duy trì mọi thứ xấu xa trong các thiết chế
và trong sự quản lý Nhà nước – quyền lực của bọn điền chủ và bọn thương lái thị thành.