13
VỀ HỆ THỐNG LƯỠNG VIỆN
T
rong tất cả các chủ đề liên quan đến chính thể đại diện không có
chủ đề nào lại được thảo luận nhiều hơn, nhất là ở lục địa [Âu châu], bằng
vấn đề gọi là Lưỡng Viện. Nó đã chiếm được sự chú ý của các nhà tư tưởng
hơn nhiều vấn đề khác có tầm quan trọng gấp mười lần hơn nó, và đã được
coi như một loại đá thử vàng để phân biệt những người thuộc phe dân chủ
giới hạn với những người thuộc phe dân chủ không kiểm soát. Riêng về
phần mình, tôi coi việc áp dụng một viện thứ hai để kiểm soát nền dân chủ
là ít có giá trị; và tôi thiên về ý nghĩ rằng, nếu mọi vấn đề khác của hiến
pháp được giải quyết đúng đắn, thì việc Nghị viện gồm hai hay chỉ một
Viện chỉ có tầm quan trọng thứ yếu.
Nếu có hai Viện, chúng có thể có thành phần tương tự, hoặc không
tương tự nhau. Nếu chúng có thành phần tương tự với nhau thì chúng chịu
cùng những ảnh hưởng như nhau, và có đa số như thế nào trong một Viện
thì chắc cũng cỡ như thế trong Viện kia. Quả thực là sự cần thiết để nhận
được sự đồng ý của cả hai viện để thông qua một biện pháp nào đó có thể
nhiều lúc là vật cản thực chất cho sự cải cách, vì lẽ khi giả thiết cả hai Viện
phải đều mang tính đại diện và có cùng số đại biểu thì số lượng chỉ hơn một
phần tư của toàn thể đại biểu một chút là có thể ngăn cản việc thông qua
một Dự luật; trong khi đó, nếu giả sử chỉ có một Viện thì một Dự luật được
đảm bảo thông qua, nếu có một đa số đơn giản. Thế nhưng trường hợp
được giả thiết có tính khả dĩ theo lý thuyết nhiều hơn là có thể xảy ra trên
thực tế. Hiếm khi xảy ra chuyện hai Viện có thành phần tương tự mà một