tiện để bắt dân chúng nộp đủ số thuế khả dĩ duy trì sức mạnh cần thiết cho
việc áp đặt sự tuân phục trên khắp lãnh thổ rộng lớn. Trong trường hợp ấy,
cũng như mọi trường hợp tương tự, cần phải hiểu rằng các trở lực hoặc
nhiều hoặc ít đều hiện diện. Có thể nó lớn đến mức khiến cho hình thức
chính thể vận hành rất yếu kém, nhưng không loại trừ tuyệt đối sự tồn tại
của chính thể, hoặc nó ngăn cản hình thức chính thể ấy bộc lộ trong thực
tiễn ưu thế của mình so với các hình thức chính thể khả dĩ khác. Vấn đề này
phụ thuộc nhiều vào sự xem xét mà ta còn chưa đề cập đến – các xu thế
thúc đẩy Tiến bộ của các hình thức khác nhau thuộc về chính thể.
Chúng ta đã khảo sát xong ba điều kiện cơ bản để các hình thức chính
thể thích ứng với dân chúng phải sống dưới chính thể ấy. Nếu những người
ủng hộ cái có thể gọi là lý thuyết tự nhiên chủ nghĩa về chính trị chỉ hàm ý
nhấn mạnh sự cần thiết của ba điều kiện ấy; nếu họ chỉ hàm ý rằng không
chính thể nào có thể tồn tại lâu bền nếu không thỏa mãn các điều kiện thứ
nhất và thứ hai, và thỏa mãn ở mức độ đáng kể điều kiện thứ ba, thì một lý
thuyết giới hạn như vậy là không có gì để tranh cãi. Nhưng, những gì được
họ hàm ý nhiều hơn điều đó tôi thấy là không thể biện hộ được. Tất cả
những gì người ta nói với chúng ta về sự cần thiết của một nền tảng lịch sử
cho các thiết chế chính trị kết hợp hài hòa với tập tục và tính cách dân tộc
cùng các thứ tương tự, thì mang ý nghĩa như thế hoặc là chẳng có gì bổ ích
cả. Có khá nhiều những thứ thuần túy mang tính đa cảm trong những lời
nói ấy, chúng vượt quá những gì mang ý nghĩa duy lý trong đó. Thế nhưng
khi xem xét về mặt thực hành, những cái được xem là thiết yếu cho các
thiết chế chính trị thực chất lại chỉ là bấy nhiêu những thuận lợi để thực
hiện ba điều kiện. Khi một thiết chế hay một tập hợp các thiết chế có được
phương cách chuẩn bị dựa trên ý kiến, sở thích và tập quán của dân chúng,
nó không những dễ dàng thuyết phục người ta chấp thuận hơn, mà còn
khiến cho người ta dễ dàng tiếp thu hơn và ngay từ khởi đầu sẽ gây được
thiện cảm nhiều hơn để dân chúng làm những gì đòi hỏi ở họ, cả việc bảo
vệ lẫn việc đưa các thiết chế ấy vào hoạt động, khiến cho họ đạt được kết
quả tốt nhất. Sẽ là một sai lầm lớn đối với nhà lập pháp nào lại dự trù các