mọi thứ vì mục đích cải tiến những thứ đó, hay mục đích Tiến bộ, ấy là
trong khi tìm kiếm cái tốt cần thiết thì không được làm tổn hại, hay làm tổn
hại thật ít như có thể, đến những gì đã có. Một dân tộc hoang dã phải được
dạy cho biết tuân phục, nhưng không phải bằng cái cung cách như biến cải
họ thành một dân tộc nô lệ. Và (để cho nhận xét mang tính tổng quát hơn)
cái hình thức chính thể hiệu quả nhất đưa được một dân tộc vượt qua giai
đoạn tiếp theo của tiến bộ, sẽ vẫn còn chưa phải là thích đáng cho họ, nếu
nó làm điều đó bằng một cung cách sẽ gây trở ngại hoặc sẽ làm cho họ trở
thành không thích hợp cho bước tiến kế tiếp sau nữa. Những trường hợp
như thế là rất thường gặp và là những sự kiện đáng buồn nhất trong lịch sử.
Hệ thống đẳng cấp Ai Cập, chế độ chuyên chế gia trưởng Trung Hoa, đều
đã từng là công cụ rất thích hợp để đưa các quốc gia ấy lên đỉnh cao văn
minh mà họ đã đạt tới. Nhưng sau khi đạt tới điểm đó rồi thì họ bị đưa vào
một sự ngưng trệ lâu dài do thiếu thốn tinh thần tự do và cá tính; các thiết
chế đã đưa họ đi xa được như vậy lại làm cho họ không có khả năng tiếp
thu những điều kiện cần thiết cho cải tiến; và bởi vì các thiết chế không bị
đập tan để nhường chỗ cho những cái khác, cho nên sự cải tiến thêm nữa
đã bị dừng lại.
Tương phản với các dân tộc này, ta hãy xem xét thí dụ về một tính
cách đối nghịch tạo nên bởi một dân tộc khác tương đối nhỏ bé ở phương
Đông – những người Do Thái. Họ cũng đã có một nền quân chủ chuyên chế
và hệ thống đẳng cấp, và các thiết chế tổ chức của họ cũng có nguồn gốc
tăng lữ giống như người Hindu. Những cái đó tác động lên họ cũng giống
như tác động lên các dân tộc khác – ép họ vào sự chăm chỉ siêng năng và
trật tự, đem lại cho họ một đời sống quốc gia. Nhưng cả các nhà vua lẫn
các thầy tu mà họ có được đều không thành khuôn mẫu độc nhất cho tính
cách của họ, giống như đã xảy ra với các dân tộc khác. Tôn giáo của họ cho
phép những người có thiên tư và có phong thái tôn giáo cao được xem như
là, và được tự coi mình như là, người được Thượng Đế truyền cảm hứng;
tôn giáo ấy đã đem lại sự tồn tại cho một thiết chế phi tổ chức quý giá
không sao kể xiết: tầng lớp của các nhà Tiên tri (có thể gọi thiết chế đó như