Macedonia thêm một thời gian nữa trước khi về lại trung tâm văn hoá và
học thuật của Hy Lạp.
Năm 335, Aristotle trở về Athens và mở trường
Lyceum. Trường này nằm bên cạnh Học viện Plato, do người bạn đồng
môn Xenocrates, người đã có một thời cùng Aristotle bôn ba truyền bá sở
học của Plato, làm Viện trưởng. Tuy nhiên, Athens lúc này không phải là
Athens tự do của 12 năm trước. Alexander đã chiếm đóng toàn cõi Hy Lạp
và đặt Athens làm đất bảo hộ của
Macedonia dưới quyền quản trị của Toàn quyền
Antipater thuộc Liên Minh Corinth. Trong cương vị Toàn quyền, Antipater
ủng hộ khái niệm chính trị quả đầu
(oligarchy), một chế độ chính trị dựa trên giai cấp có tài sản, nên cai trị
Athens theo chiều hướng đó, thay vì để Athens sinh hoạt dưới thể chế dân
chủ như trước kia. Một điều ngẫu nhiên lý thú là Antipater và Aristotle đã
từng quen biết nhau từ trước tại Macedonia và vẫn giữ liên lạc thường
xuyên, nay lại tái ngộ ở Athens trong hai địa vị khác nhau. Tuy nhiên, tình
bạn giữa hai người vẫn khăng khít như xưa và chính sách của Antipater đã
ảnh hưởng không ít đến những tác phẩm của Aristotle sau này. Một cách cụ
thể, Aristotle chủ trương xây dựng một thể chế “trung dung” ủng hộ giai
cấp có tài sản. Các tác phẩm của
Aristotle viết về hiến pháp và lịch sử hiến pháp của
Athens cho thấy ông cũng theo sát những diễn biến chính trị của Athens do
Lycurgus, một chính trị gia lỗi lạc của Athens và cũng đồng thời là bạn
đồng song với Aristotle, tiến hành tại Athens (tư tưởng của Lycurgus cũng
được các học giả đời sau nghiên cứu và đề cập đến trong các tác phẩm của
họ). Lycurgus là lãnh tụ của đảng dân chủ theo chủ trương của
Demosthenes là khôi phục lại vị thế của Athens trước khi bị Alexander
thống trị.
Mặc dù Lycurgus là một người chủ trương dân chủ, nhưng vì muốn khôi
phục lại Athens, Lycurgus đã áp dụng một số chính sách của Sparta cho dân