của Aristotle, lên cai trị Athens và biến những gì Aristotle đã dạy tại
Lyceum thành luật.
Ảnh hưởng của Aristotle, tuy nhiên, không chỉ giới hạn tại Hy Lạp hay tại
Athens. Triết lý theo trường phái
Aristotle đã trở thành nền tảng cho triết học Duy Thực tại Tây phương. Về
phương diện triết lý chính trị, Chính Trị Luận trở thành kinh điển cho khoa
chính trị học tại Tây phương đến ngày nay.
CHÍNH TRỊ LUẬN
Aristotle viết Chính Trị Luận năm 350 trước Công nguyên. Cuốn sách này
được xem là căn bản cho Chính trị học Tây phương và ảnh hưởng sâu rộng
tới các tư tưởng gia đời sau như Cicero, St. Augustine, Aquinas, và các lý
thuyết gia khác thời Trung Cổ. Các lý thuyết gia hiện đại như Machiavelli,
Hobbes, và các nhà tư tưởng thời Khai Sáng đều dựa trên nền tảng này mà
phê phán lý thuyết và mô hình chính trị kiểu Aristotle. Nhờ vậy, họ đã phát
triển nên các hệ tư tưởng mới. Vì thế, dù ta đồng ý hay không với lập luận
và lý thuyết của Aristotle, hiểu rõ các nguyên lý căn bản mà Aristotle đã đề
ra vẫn là điều cần thiết để có thể hiểu được các nhà tư tưởng thời Khai sáng
và Hậu hiện đại.
Trong Chính Trị Luận, Aristotle dùng phương pháp luận lý quy nạp, đi từ
đơn vị xã hội nhỏ nhất là gia đình tới xã hội và cuối cùng là quốc gia, để
tìm ra những đặc tính thiết yếu mà nhà nước phải có để trở thành một nhà
nước lý tưởng. Ngoài phương pháp quy nạp, Aristotle cũng dùng phương
pháp so sánh giữa mô hình nhà nước “lý tưởng” và mô hình nhà nước trong
thực tế và đưa ra những nguyên lý xây dựng một nền chính trị mang lại
“điều tốt nhất” cho con người.
Chính Trị Luận có 8 quyển. Quyển I mang tựa đề “Lý thuyết về Gia đình,”
gồm 13 chương. Aristotle mở đầu Chương 1 bằng nhận xét bất hủ: “mỗi
một cộng đồng được thiết lập nhằm đạt tới một cái tốt nào đó; vì hoạt động