của con người luôn luôn nhằm đạt được cái mà nó nghĩ là tốt. Nhưng, nếu
tất cả các cộng đồng đều nhắm đến một cái tốt, thì nhà nước hay cộng đồng
chính trị - cộng đồng cao nhất và bao trùm tất cả các cộng đồng - phải
nhắm tới cái tốt cao cả hơn mọi cái tốt khác, và phải là cái tốt ở mức độ cao
nhất.” Trong Quyển I, Aristotle dùng phương pháp luận lý phân tích và truy
nguyên các hình thức quần tụ của con người từ đơn vị nhỏ nhất là gia đình,
đến làng mạc, rồi đến quốc gia.
Trong Quyển I, Aristotle nhắc đến vai trò của nô lệ
(C. 3, 4 & 5) khi phân tích các thành phần tạo nên hộ gia đình. Mối tương
quan trong hộ gia đình gồm có quan hệ giữa chủ nhân và nô lệ, giữa chồng
và vợ, giữa cha mẹ với con cái. Lập luận của Aristotle về nô lệ dĩ nhiên là
không còn hợp với thời đại chúng ta, nhưng nô lệ là một thành phần không
thể thiếu được trong xã hội Hy Lạp thuở đó. Ở đây, ta cũng cần mở một dấu
ngoặc về sinh hoạt kinh tế của Athens thời bấy giờ. Như đã dẫn trên đoạn
bối cảnh lịch sử, người Hy Lạp chuộng xa hoa, không ưa lao động chân tay,
nên nền kinh tế dựa vào sức lao động của nô lệ là chính để sản xuất. Không
có nô lệ để sản xuất và phụ nữ lo việc nhà thì đàn ông Hy Lạp không còn
thì giờ để mà suy tưởng những việc cao xa, tựa như kẻ sĩ trong xã hội ta và
Tàu thời trước, nho sĩ để móng tay dài lượt thượt và không được làm việc
lao động chân tay (sic).
Theo Aristotle, có hai loại nô lệ: những kẻ sinh ra đã là nô lệ và những kẻ
bị buộc làm nô lệ. Aristotle lập luận như sau: những kẻ nào mà trời sinh ra
kém thông minh, không làm gì được khác hơn là chỉ làm những việc lao
động chân tay, thì những kẻ ấy trời sinh ra làm nô lệ; đó là những kẻ không
có đủ trí phán đoán khôn ngoan. Aristotle còn cho rằng đối với những
người như vậy có được chủ nhân là điều tốt cho họ (C. 5). Ngoài ra, những
kẻ chiến bại là những kẻ bị buộc làm nô lệ. Người Hy Lạp, trong đó có
Aristotle, lý luận rằng những kẻ chiến bại chắc chắn phải “kém” hơn người
chiến thắng chứ nếu không thì thua làm sao được? Như vậy, bị bắt làm nô
lệ thì cũng hợp với luận lý mà thôi.