Chương 5
Vẫn còn một vấn đề nữa về công dân, đó là, nếu những công dân thực thụ
là những người được tham chính, thế còn những người thợ máy thì sao?
Nếu ta coi những người thợ máy - những người vốn dĩ không được tham
chính - là công dân, thì không phải công dân nào cũng có được khả năng
cai trị và bị trị. Nhưng nếu những giai cấp thấp hơn không được xem là
công dân, thì họ ở chỗ nào trong quốc gia đây? Họ không phải là ngoại kiều
thường trú, cũng chẳng phải là người ngoại quốc. Không coi thợ máy là
công dân không phải là một lập luận vô lý, vì chẳng phải thành phần nô lệ
và những nô lệ được trả tự do không được bao gồm trong các giai cấp hay
sao? Thêm nữa, ta cũng không thể xem tất cả những phần tử cần thiết cho
sự hiện hữu và tồn tại của quốc gia là công dân; thí dụ như trẻ con không
thể được xem là công dân tương đương như người lớn. Trẻ con chỉ là công
dân trong một chừng mực nhất định nào đó mà thôi. Thật vậy, vào thời cổ,
tại một số nước, giai cấp thợ thuyền thường là nô lệ hay ngoại kiều, và hiện
nay cũng vậy. Một nhà nước được xây dựng theo mô hình hoàn hảo nhất sẽ
không nhận giai cấp này làm công dân; nhưng, nếu họ được coi là công
dân, thì định nghĩa của ta về đức tính công dân sẽ không áp dụng được cho
mọi công dân hay những người tự do, mà chỉ áp dụng cho những ai không
phải làm những việc lao động chân tay. Những người thuộc loại cần thiết
cho sự tồn tại của xã hội có hai loại; đó là những nô lệ phục vụ cho nhu cầu
của chủ nhân, còn thợ máy và người lao động khác phục vụ cho cả cộng
đồng. Nếu ta tiếp tục suy tư theo chiều hướng này thì vị trí xã hội của
những người này sẽ được giải thích rõ ràng; thực ra những điều cần thiết đã
được trình bày hết cả rồi.
Vì chính quyền có nhiều dạng khác nhau, cho nên cũng phải có nhiều loại
công dân khác nhau, nhất là những công dân không thuộc thành phần cai
trị. Dưới một thể chế chính trị nào đó thì thợ thuyền và thành phần lao động