Chương 2
Căn bản của một nhà nước dân chủ là tự do, theo quan niệm thông thường,
là một đặc tính chỉ có được trong một nhà nước dân chủ. Đó cũng chính là
điều mà người ta cho rằng là cứu cánh cao cả của mọi nền dân chủ. Một
nguyên tắc của tự do: tất cả mọi người, theo thứ tự, đều là người cai trị và
bị trị, và thực ra, sự công bằng trong dân chủ là sự áp dụng bình đẳng theo
đa số, chứ không phải theo tỷ lệ. Như vậy, [ý kiến của] đa số phải là ý kiến
tối thượng, và những gì mà đa số chấp thuận phải là chung kết và công
bằng. Mỗi một công dân, theo quan điểm này, phải có sự bình đẳng; và như
thế, trong chế độ dân chủ, người nghèo có nhiều quyền lực hơn người giàu
vì số người nghèo đông hơn và ý kiến của đa số là tối thượng. Đây chính là
một khái niệm về tự do mà tất cả những người dân chủ đều công nhận là
nguyên tắc của nhà nước. Một quan điểm khác về tự do là người ta có
quyền sống theo ý thích của mình; đó tức là quyền của người tự do, vì nếu
không được sống theo ý thích của mình là dấu hiệu của một người nô lệ.
Đó là đặc tính thứ hai của dân chủ, từ đó đưa đến lập luận: nếu có thể được,
con người không nên bị cai trị bởi bất cứ người nào khác, còn nếu đó là
điều bất khả thi, mỗi người sẽ tuần tự đóng vai trò cai trị và bị trị. Và đó là
những khái niệm về tự do dựa trên sự bình đẳng.
Trên căn bản và nguyên tắc này, ta sẽ tiến hành cuộc khảo sát những đặc
tính của chế độ dân chủ như sau: [Về phương diện hành pháp,] viên chức
chính quyền phải từ dân và do dân bầu ra; mọi người sẽ tuần tự lãnh nhiệm
vụ cai trị và bị trị; sự bổ nhiệm vào tất cả mọi chức vụ, ngoại trừ những
chức vụ đòi hỏi kinh nghiệm và khả năng đặc biệt, phải được tiến hành qua
bốc thăm; tài sản không được đặt thành tiêu chuẩn để ứng cử hay bầu cử,
còn nếu có, thì chỉ rất tượng trưng; không có ai sẽ giữ cùng một chức vụ
hai lần hay hơn, ngoại trừ trường hợp đặc biệt của những chức vụ trong
quân đội; nhiệm kỳ của tất cả mọi chức vụ, hay đa số các chức vụ được ấn