Chương 8
Những đề tài kế tiếp chúng ta sẽ bàn tới là việc tổ chức đúng đắn những cơ
quan trong chính quyền, bản chất và chức năng những cơ quan này như thế
nào và phải cần có bao nhiêu cơ quan? Không một nước nào có thể hiện
hữu được nếu không có những cơ quan chính quyền cũng như không một
nhà nước nào có thể được điều hành tốt nếu không có những cơ quan để
giữ gìn trật tự và sinh hoạt hài hoà. Trong những nước nhỏ, như ta đã bàn
qua, không cần phải có nhiều cơ quan chính quyền, nhưng trong những
nước lớn hơn thì cần phải có nhiều hơn, và ta phải xem xét cẩn thận xem cơ
quan nào có thể được kết hợp với nhau, và những cơ quan nào cần phải
tách riêng.
Trong những cơ quan cần thiết, cơ quan đầu tiên là cơ quan quản trị thị
trường; một chức quan phải được đặt ra để kiểm tra những giao kèo buôn
bán và giữ gìn trật tự. Điều này cần thiết vì trong mọi nước ta không thể
tránh khỏi việc có người mua và kẻ bán để đáp ứng những nhu cầu của đời
sống; đây là cách thức dễ dàng nhất để giúp cho một nước đạt được tình
trạng tự túc và đáp ứng được mục đích của con người khi quần tụ lại thành
một quốc gia. Cơ quan thứ hai, cũng tương tự như cơ quan thứ nhất, là cơ
quan giám sát và tô điểm cho nhà cửa trong thành phố và công thự, tu bổ
đường xá và cầu cống, và ngăn ngừa những cuộc tranh chấp về diện tích
nhà cửa của dân. Cơ quan này vẫn thường được gọi là cơ quan Công chánh
gồm có nhiều ban khác nữa. Khi nước càng đông dân, những ban này do
nhiều người khác nhau chịu trách nhiệm, thí dụ, người lo về tường thành,
người lo về đồi núi, người lo về hải cảng. Tương tự như vậy, nên có một cơ
quan phụ trách tài nguyên của toàn quốc như cơ quan Kiểm lâm. Ngoài ba
cơ quan trên, cần phải có cơ quan chuyên thu thuế và phân phối ngân khoản
cho những cơ quan khác. Cơ quan này gọi là Bộ Ngân khố. Một cơ quan
nữa lưu trữ tất cả những giao kèo ký kết giữa tư nhân với nhau, những cáo