Chương 9
Sau khi đã xác định những điểm này, ta còn phải xét xem có cần để cho
công dân chia nhau làm mọi nghề cần thiết hay không? Liệu mọi người
phải vừa là nông dân, nghệ nhân, uỷ viên, quan toà, hay giao những nghề
này cho những người khác nhau, hoặc chỉ có một số người làm một số nghề
nào đó, còn lại thì ai làm cũng được? Những sự sắp xếp khác nhau hiện hữu
trong những hiến pháp khác nhau, thí dụ như mọi người đều phải tham gia
mọi công việc như nhau, hoặc là chỉ có một số người phụ trách nhiệm vụ
nào mà thôi: trong chế độ dân chủ, tất cả dân chúng đều tham gia mọi việc
của đất nước; trong chế độ quả đầu, thì theo cách thức ngược lại.
Vì ta đang bàn đến mô hình chính quyền tốt đẹp nhất, nghĩa là một chính
quyền mà nhà nước được hạnh phúc nhất (và hạnh phúc, như đã nói ở trên,
không thể hiện hữu nếu không có đức hạnh), cho nên, một nước mà được
cai trị tốt nhất và có những người dân tuyệt đối công chính, chứ không phải
chỉ tương đối theo những nguyên tắc của hiến pháp mà thôi, thì người dân
của nước đó không thể là những người thợ, hay thương nhân được - đời
sống như vậy là một đời sống hèn mọn và có hại cho sự phát triển đức
hạnh. Người dân cũng không thể là nông dân, vì sự thư nhàn là điều kiện
cần thiết để phát triển đức hạnh và thi hành những bổn phận chính trị.
Chưa hết, trong một nước, cần có giai cấp chiến binh và nghị viện, tức là
những người quyết định vấn đề luật pháp và lợi ích của đất nước. Đây là
một lĩnh vực đặc biệt của đất nước. Ta có nên phân biệt hai giai cấp này
hay giao cả hai chức năng này cho cùng một người? Ta thấy rõ ràng là cả
hai chức năng này phải giao cho hai người khác nhau: chiến binh cần sức
khoẻ, còn nghị viện cần sự khôn ngoan.