hai phần của tinh thần, phần lý tính được coi là cao cấp hơn. Lý tính, theo
cách nói thông thường, cũng được chia thành hai loại; đó là thực tiễn và lý
thuyết. Từ đó suy ra, những hành động của con người cũng được phân loại
tuỳ theo lý tính thực tiễn hay lý thuyết. Những ai có thể làm được cả ba loại
hành động - những hành động thuộc về lý trí có tính chất thực tiễn, những
hành động thuộc về lý trí có tính chất lý thuyết, và những hành động do lý
trí hướng dẫn - hay chỉ có hai loại mà thôi, cũng thấy được loại hành động
nào cao cấp và nên làm hơn. Đời sống con người cũng được chia làm hai
phần: công việc và thư nhàn, hay chiến tranh và hoà bình, và những loại
hành động nhắm tới những điều cần thiết, hữu dụng cũng như những mục
tiêu cao cả. Sự kiện con người thích làm những hành động này hơn hành
động khác cũng phải dựa trên nguyên tắc về các hành động cao cấp và thứ
cấp của tinh thần. Người dân trong một nước phải có khả năng sống một
đời sống hoạt động, và chiến đấu khi có chiến tranh, nhưng lại càng cần
phải có khả năng sống thư nhàn trong hoà bình. Họ phải có khả năng chế
tạo ra những vật dụng nhu yếu cho cuộc sống, nhưng đồng thời cũng phải
có khả năng làm những việc tốt đáng vinh danh hơn thế nữa. Những điều
này nhà lập pháp phải lưu tâm khi soạn thảo luật pháp, phải cân nhắc
những phần, những chức năng khác nhau của tinh thần, và trên hết, phải
biết cứu cánh là gì và phần nào là phần tốt hơn. Trẻ con và công dân thuộc
lứa tuổi còn đi học, phải được rèn luyện trên nguyên tắc này. Ngay cả
những nước trong cõi Hy Lạp thời nay, những nước nổi tiếng là có những
hiến pháp tốt đẹp nhất, nhà lập pháp của những nước này cũng vẫn chưa
kiến tạo hệ thống chính quyền của họ hướng tới mục đích tốt đẹp nhất, hay
đưa ra những luật lệ và giáo dục hướng tới tất cả mọi đức tính, mà lại theo
thói thường, chỉ nhắm tới những gì có ích hay có lợi. Nhiều tác giả hiện đại
cũng có quan điểm tương tự: họ ca tụng hiến pháp của Sparta, ca ngợi nhà
lập pháp Sparta đã đặt chiến tranh và chinh phục làm mục đích duy nhất
của quốc gia. Quan điểm này đã bị phủ nhận bởi cả lý thuyết lẫn thực tiễn.
Người ta thèm muốn có được một đế quốc với hy vọng sẽ thu tóm được của
cải nhờ vào sự chinh phục kẻ khác; trên quan điểm này, Thibron và những
kẻ viết về hiến pháp Sparta đã ca tụng nhà lập pháp của xứ này, vì người