Chương 14
Vì mọi xã hội chính trị đều được tạo thành bởi những người cai trị và
những người bị trị, ta hãy xét xem mối quan hệ giữa hai giai cấp này như
thế nào: liệu giai cấp cầm quyền cứ vĩnh viễn cầm quyền hay hai giai cấp
này luân phiên thay đổi cho nhau? Công cuộc giáo dục công dân như thế
nào sẽ tuỳ theo cách ta trả lời câu hỏi này. Giả sử có một số người nào đó
có tài năng siêu tuyệt hơn những người khác, như thần nhân và những anh
hùng siêu việt hơn con người (về cả thể chất và trí tuệ), thì vai trò lãnh đạo
và cai trị của họ thật là rõ ràng và không còn có thể bàn cãi gì được nữa.
Nhưng, điều này thật khó có thể xảy ra, và [ta thấy] vua chúa cũng chẳng
có dấu hiệu gì là siêu tuyệt hơn thần dân của mình như trong tường thuật
của Scylax về vua chúa và dân chúng tại Ấn Độ. Cho nên, trên rất nhiều
phương diện, ta phải kết luận rằng, mọi công dân nên luân phiên thay nhau
lúc làm dân, lúc làm quan. Sự bình đẳng gồm có sự đối xử đồng đều với tất
cả mọi người đồng đẳng, và không một chính quyền nào có thể tồn tại nếu
không được xây dựng trên căn bản công bình. Nếu một chính quyền bất
công, mọi người trong nước sẽ đoàn kết lại với nhau (kể cả với nông nô) để
làm cách mạng, và với số quan quân cộng lại cũng không thể chống nổi với
số dân đông đảo đã đoàn kết lại với nhau. Nhưng, sự kiện nhà cai trị phải
có khả năng vượt trội hơn dân chúng là điều ai cũng công nhận. Đây là vấn
nạn mà nhà lập pháp phải giải quyết - một mặt, bảo đảm có người cầm
quyền tài giỏi, và mặt khác, ai cũng được luân phiên cầm quyền. Ta đã bàn
về vấn đề này rồi [trong Chương 9].
Thiên nhiên đã giúp ta giải quyết vấn nạn này bằng sự khác biệt giữa tuổi
trẻ và tuổi già, qua đó, những người lớn tuổi giữ vai trò lãnh đạo. Khi còn
nhỏ tuổi, ta thường dễ dàng chấp nhận sự lãnh đạo của người lớn, và cũng
chẳng có người nhỏ tuổi nào nghĩ mình giỏi hơn những bậc tiền bối, nhất là