Tôi đã trình bày trong cuốn Đạo Đức Học (nếu những lý lẽ nêu lên trong
cuốn sách đó có giá trị), hạnh phúc là sự thể hiện toàn hảo của đức hạnh
qua hành động một cách tuyệt đối chứ không phải tương đối. Tính từ
“tương đối” được dùng để chỉ những hành động cần thiết phải làm, còn
“tuyệt đối” để chỉ những hành động mà tự nó là điều tốt. Thí dụ, hãy xem
những hành động công chính như thi hành những hình phạt chính đáng. Thi
hành những hình phạt chính đáng là điều tốt và hợp với công lý, nhưng nếu
cả cá nhân lẫn nhà nước không cần dùng đến hình phạt (dù công chính) thì
vẫn tốt hơn. Ngược lại, những hành động nhằm khen thưởng đúng đắn [một
cá nhân nào đó] là những hành động công chính tuyệt đối. Hành động
tương đối (trừng phạt dù công chính) cũng chỉ là một sự lựa chọn lấy cái đỡ
xấu hơn (giữa một cái xấu là phạm luật và cái xấu ít hơn là trừng phạt).
Còn những hành động tuyệt đối là nền tảng và là sự sản sinh ra những điều
tốt. Một người tốt vẫn có thể sống tốt lành trong tình trạng nghèo khổ và
bệnh tật hay trong những hoàn cảnh xấu xa khác của cuộc sống; nhưng,
người đó chỉ có thể có được hạnh phúc trong tình trạng đối nghịch lại với
tình trạng kể trên (như đã trình bày trong lý luận về đạo đức, một người tốt
là người, vì bản chất là người đức hạnh [hiểu theo nghĩa tuyệt đối], sẽ sử
dụng một cách tốt nhất những điều kiện tốt đẹp do hoàn cảnh tuyệt đối
mang lại). Những điều này thường khiến ta nghĩ một cách sai lầm rằng,
những vật chất bên ngoài là nguyên nhân tạo nên hạnh phúc; nhưng, nói
như thế cũng như cho rằng, khi nghe tấu một bản nhạc hay là vì cây đàn tốt
chứ không phải do tài nghệ của nhạc sĩ.
Từ những nhận định trên, ta có thể suy ra là có những điều nhà lập pháp
phải có sẵn [từ trong thiên nhiên] trong một nước, còn những điều thiếu sót,
chính nhà lập pháp phải từ khả năng của mình tạo ra. Và như thế, ta chỉ có
thể nói rằng: ước gì đất nước của ta được thành lập với những điều kiện tốt
đẹp mà thiên nhiên và vận may ưu đãi (ta phải công nhận quyền lực của
thiên nhiên và vận may trong vấn đề này); còn việc quốc gia có trở nên đạo
đức và tốt lành hay không, không phải là vấn đề của may rủi nữa mà là kết
quả của kiến thức và những hoạt động có mục đích rõ rệt. Một quốc gia chỉ