Phi Minh nhìn hết người này đến người kia, con bé không hiểu sao mấy
người lớn đứng gần nhau như vậy lại phải trao đổi truyền đạt thông qua
mình, thứ cảm xúc khó nói thành lời bị chôn sâu đã mười một năm nay và
sự xa cách không sao xóa mờ suốt 29 năm ấy, một đứa trẻ nhỏ tuổi sao có
thể hiểu nổi.
Cát Niên đón bình canh trong tay mẹ, chậm rãi bón tiếp cho Phi Minh.
Cô đã thử mỉm cười với ba người thân của mình, nhưng mỉm cười xong,
giữa bọn họ ngoài mấy câu khách sáo “Mời ngồi”, “Cảm ơn”, “Không có
gì” ra cũng chẳng tìm nổi lời nào khác. Vừa nãy khi ngồi trên xe buýt, Cát
Niên còn nghĩ như đang nằm mơ, giả như cô là người phụ nữ bình thường,
giả như cô còn có người thân giúp đỡ lo liệu, có lẽ hiện giờ không đến nỗi
bất lực như vậy. Nhưng giờ đây, bố mẹ và em trai đã xa cách quá lâu bỗng
nhiên từ đâu xuất hiện bên cô, ngoài cảm giác gượng gạo không yên, thật
sự cô không còn cảm giác nào khác.
Cát Niên sợ mọi người thấy cô bưng bình canh khẽ run run, ngay đến
thở cũng không dám thở mạnh. Trước nay cô luôn là đứa trẻ chỉ sợ bất cẩn
phạm lỗi, chưa từng cứng đầu làm bừa trước mặt bố mẹ. Dù cho năm đó có
toàn tâm toàn lực tỏ ra ngoan ngoãn, nghe lời thế nào, cuối cùng vẫn không
tránh khỏi khiến bố mẹ thất vọng tuyệt đối, vì vậy những người thân thiết
nhất với cô mới không chút do dự vứt bỏ cô ngay lúc cô cần sự giúp đỡ
nhất. Cô một mình sống cô độc qua mấy năm nay, sống cho tới bây giờ, từ
trong sâu thẳm đã sớm coi mình là trẻ mồ côi.
“Cô ơi, uống nữa cháu nôn mất.” Không biết từ lúc nào cô đã bón cho
Phi Minh nửa bình canh gà, trong không khí im lặng kỳ lạ Phi Minh mới dè
dặt mở lời. Lúc này Cát Niên mới như tỉnh cơn mê đặt vội bình canh
xuống, lấy giấy ăn lau miệng cô bé, “Dựa vào gối nằm một chút đi, bình
truyền còn một chai nữa là hết rồi.”
Phi Minh nhắm mắt rồi lại mở ra, “Cô ơi, ông bà đã phải đi chưa ạ?”