Thôi được, cứ việc tự do ngôn luận. Để còn xem, cắn hay không cắn,
chuyện ấy phụ thuộc vào cách hành xử tiếp theo của các vị. Nếu mọi
chuyện bình thường, các vị cư xử bằng tình người, dĩ nhiên tôi không bao
giờ cắn. Nhưng xin các vị hãy biết rằng trong trường hợp khẩn cấp, để tự
vệ, tôi sẵn sàng gác qua một bên những quy định và những điều cấm kị. Tôi
mà đã cắn thì thôi rồi, chớ có than thân trách phận nhé. Người phụ nữ trẻ
tuổi tiến lại gần tôi, ngồi xổm xuống, đưa tay ra và nói:
- Cô bé dễ thương bị đi lạc chứ gì? Khổ thân chưa. Lại đây nào…
Sao lại là “cô bé đi lạc”? Chẳng lẽ không thấy tôi thuộc giống đực hay sao?
Hãy nhìn cho kỹ đi chứ. “Cô bé dễ thương”! Nghe dễ tự ái lắm à nha.
Nhưng dù sao thì tôi cũng vẫn cất bước tiến về phía bà ấy. Khi đã đến thật
gần, tôi gục đầu xuống. Tôi nghĩ rằng bà ấy sẽ đoán được nỗi khổ của tôi để
rồi tháo cái băng đai nặng nề, vướng víu ấy ra. Quả là một quý bà thông
minh và lịch thiệp: bà ấy cẩn thận tháo bỏ những thứ vòng đai, dây nhợ lằng
nhằng trên mình tôi ra. Tôi chẳng còn thiết giữ ý giữ tứ gì nữa, nằm lăn ra
trên lưng, duỗi bốn cẳng lên trời cho đỡ mỏi. Lũ trẻ kêu ré lên, đổ xô đến
nhìn tôi như thể chiêm ngưỡng một kỳ quan thế giới. Tất nhiên là tôi chẳng
việc gì phải đề phòng bọn trẻ. Chúng có ba đứa cả thảy, vô cùng dễ thương,
ngộ nghĩnh. Đã dạn rồi, chúng cứ thế nhào vào ôm lấy tôi, vuốt ve, gãi khắp
nơi, đến nhột. Ba người lớn còn lại – ông béo, ông gầy và quý bà lớn tuổi –
cũng lại gần để xem xét. Ông béo nhíu mày rồi nói:
- Một con chó đực.
Tôi nghĩ bụng, ông này cứ làm như mình tinh thông mọi chuyện. Tôi đang
nằm ngửa, phơi bụng lên trời, chỉ cần nhìn qua, ai mà chẳng biết tôi là chó
đực. Nhưng ông ấy nói ra như vậy cũng tốt, nếu không mọi người cứ gọi tôi
là “cô bé dễ thương”, “cô bé đi lạc” thì ngượng chết đi được. Bỗng ông mập
quát lũ trẻ: