nói gì, vì nhỡ biết đâu bỗng có một câu lệnh nào đó được phát ra bất chợt
thì sao. Vậy mà ông cụ của tôi cứ say sưa nói hết chuyện này đến chuyện
khác. Tôi thì cứ phải lo đưa cụ tránh hết vũng nước này đến vũng nước
khác. Mà rồi khách qua đường có hiểu cho đâu – họ cứ đi bừa đi phứa,
chẳng nhường đường gì cả, hoặc do họ không biết tôi đang dắt một người
mù, hoặc họ làm như chẳng cần biết đến điều đó. Tóm lại, dù tôi có cố gắng
cách mấy để đưa cụ đi dích dắc chữ chi để tránh các vũng nước, thậm chí có
khi phải dừng hẳn lại để nhường đường cho người khác, nhưng ông cụ của
tôi có hiểu cho đâu, cứ dấn bừa tới, thế là giẫm đánh “phạch” ngay vào
vũng nước. Lắm khi có phải vũng nước nho nhỏ mà thôi đâu, có vũng đến
con chó cồ như tôi còn bơi được ấy chứ. Thế là tôi với ông cụ bất đắc dĩ
phải lội cho qua cái ao làng thứ thiệt ấy. Những lúc như thế, tôi cảm thấy
thật nhục – nhục cho cái tay nghề kém cỏi của mình. Mặc dù lỗi không phải
hoàn toàn của tôi. Đã có băng đai, dây dẫn đánh tín hiệu rồi, cụ còn xông
tới làm gì nữa? Một khi tôi đã ra tín hiệu dừng lại thì cứ việc đứng như trời
trồng đi, đằng này không chịu, cứ phải dấn tới cơ! Đã có chó dẫn đường thì
phải nghe theo hiệu lệnh của nó chứ. Nhưng rồi tôi nghĩ lại, coi chừng ông
cụ ông ấy đá cho một phát thì bay trở về trường nha con. Mà quả thực, tôi
với ông cụ hợp tác với nhau đã được bao lâu đâu. Người ta thường nói
“Thiếu một tuần là đầy năm”, còn tôi xin nói ngược lại, tôi và cụ Ivan
Savelievich lúc đó quen nhau mới… “thiếu một năm nữa là đầy một tuần”,
và chuyện phải vòng tránh các vũng nước thì đúng là chỉ mới lần đầu.
Người khiếm thị không phải ai cũng như ai – có người hiền, người dữ. Tôi
nhắm nghiền mắt lại và chờ đợi: bây giờ tôi có bị một gậy vào đầu hay
không đây. Nhưng cụ Ivan Savelievich đứng ngay giữa vũng nước mà cười
ha hả:
- Trison! Con đưa ta vào chốn thủy cung nào thế này? Ta bảo con đưa ta
đến hiệu thuốc mà con lại dẫn ta xuống hồ bơi, ha ha. Con có bị lẫn lộn gì
trong đầu không đấy?