Đám binh lính dưới quyền viên đại úy hùng hổ đi ngang qua chỗ Arkady;
anh em Woropay cười khẩy vào máy ghi âm trong tay anh.
“Nói to lên,” Marchenko đề nghị. “Chúng tôi có thể học hỏi.”
“Kéo lên khỏi miệng cống vào của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl lúc
10:15, ngày Mười tháng Sáu, một người đàn ông khoảng sáu mươi tuổi, cao
hai mét, mặc áo khoác da, quần áo lao động màu xanh và đi giầy.” Một
người thực sự rất xấu, đường nét thô kệch của ông ta đã trở nên trắng bệch
do bị ngâm nước lâu, hàm răng xỉn màu khấp khểnh, quần áo sũng nước
như tấm vải ướt. “Tứ chi cứng nhắc, cho thấy chết đã lâu. Không đeo nhẫn
cưới.” Chân và tay hướng lên trời, lòng bàn tay ngửa ra. “Tóc nâu.” Arkady
vạch một mí mắt. “Mắt nâu. Mắt trái giãn rộng. Quần áo còn nguyên vẹn,
cơ thể không có hình săm, nốt ruồi hay dấu hiệu nhận dạng khác. Không có
vết trầy xước hay bầm tím. Chúng tôi sẽ tiếp tục khám nghiệm tử thi.”
“Không khám nghiệm tử thi,” Marchenko phản đối.
“Chúng tôi biết ông ta,” Dymtrus Woropay lên tiếng.
Taras nói, “Ông ta là Boris Hulak. Ông ta sống bằng nghề nhặt rác và câu
cá, ở trong các căn hộ ở Pripyat nhưng thường hay thay đổi chỗ ở.”
“Anh có găng tay cao su không?” Arkady hỏi.
Marchenko đáp, “Sợ ướt tay à?”
Với cái hất hàm của viên đại úy, anh em Woropay liền kéo khóa áo
khoác của người chết, móc ra giấy tờ tùy thân của ông ta.
Marchenko đọc to, “Boris Petrovich Hulak, sinh năm 1949, nơi sinh
Kiev, ngành nghề: thợ máy. Cùng ảnh nhận dạng.” Một khuôn mặt xấu xí
tương tự với ánh mắt trừng trừng. Chính là gã Thợ sửa ống nước, Arkady
chắc chắn như thế. Marchenko ném đám giấy tờ cho anh. “Đây là tất cả
thông tin anh cần. Một kẻ ăn bám của xã hội bị ngã khỏi xuồng và chết
đuối.”
“Chúng tôi sẽ kiểm tra xem có nước trong phổi ông ta không.”
“Ông ta đang câu cá.”
“Cần câu đâu?”
“Ông ta câu được một con cá da trơn. Trước đó ông ta đã uống hết một
chai vodka, ông ta đang đứng trên xuồng, con cá to hơn, nên đã giật cái cần