Abraham Lincoln là ví dụ điển hình. Ông là hiện thân của rất nhiều ưu điểm
xuất phát từ mức độ tự tin thấp. Ông cởi mở với các ý tưởng và dành phần lớn
thời gian tại phòng điện tín của Bộ Chiến tranh để nắm những chiến lược đang
được đề xuất. (Thực tế là, Lincoln rất bị thu hút bởi những ý tưởng mới, ông là
Tổng thống Mỹ duy nhất được cấp bằng sáng chế.)
Lincoln còn thực thi một chính sách mở cửa. Donald T. Phillips, tác giả của
quyển Lincoln on Leadership, cho biết Lincoln có lẽ là tổng thống dễ tiếp cận
nhất trong lịch sử đất nước. Ông dành hơn 75% thời gian của mình gặp gỡ mọi
người. Người ta tin rằng ông đã gặp qua tất cả những người lính Liên bang nhập
ngũ sớm trong Nội chiến Mỹ.
Liệu ông có là một kẻ hung hăng ức hiếp người? Không hề. Lincoln giống
một người bạn trong hoạt động kết nối mạng lưới. Ông không hề ép buộc hay đe
dọa ép người khác theo ý mình. Ông từng nói, "Đối với con người, nếu muốn
thuyết phục một người đi theo lý tưởng của mình, trước tiên hãy thuyết phục họ
rằng bạn là một người bạn chân thành." Vậy ông đối phó với những đối tượng
hoàn toàn thù địch thế nào? "Tôi hủy hoại kẻ thù khi tôi biến được họ thành bè
bạn."
Vậy ông có khiêm nhường? Hẳn rồi. Ông không có vấn đề gì khi thừa nhận
mình sai. Trong một bức thư gửi đến Ulysses s. Grant, ông đã rất thẳng thắn: "Tôi
xin thừa nhận rằng ngài đã đúng, và tôi đã sai."
Nghiên cứu cho thấy sự khiêm nhường sẽ được đền đáp. Những vị sếp tỏ ra
yếu đuối và đánh giá thấp bản thân lại dễ được lòng nhất. Frank Flynn từ
Stanford nhận ra những người biết thừa nhận lỗi lầm được đồng sự đánh giá là
lãnh đạo tốt. Nghiên cứu từ Hải quân Mỹ cũng cho thấy các nhà lãnh đạo được
yêu mến có tinh thần dân chủ và kỹ năng lắng nghe rất tốt. Thời gian duy nhất mà
đội ngũ muốn một nhà lãnh đạo đưa ra quyết định không cần thông qua mọi
người chính là trong lúc khủng hoảng (giống như giới cướp biển vậy).
Chúng ta nghĩ rằng các nhà lãnh đạo có xu hướng ái kỷ, và như đã biết,
người ái kỷ đúng là dễ trở thành lãnh đạo hơn, nhưng họ không thể thăng hoa ở vị
trí này. Kết quả thể hiện của người ái kỷ có tương quan đến lượng cơ hội để họ
thể hiện sự ngầu lòi. Điều này tạo ra một tác động rất tiêu cực: Khi mọi chuyện
diễn biến xấu và mọi người cần lãnh đạo hơn bao giờ hết, thì người ái kỷ lại ít
muốn nhúng tay vào.