Thực ra, nếu như bạn muốn chọn một người có tính cách "tồi" nhưng là
CEO giỏi, đừng chọn người ái kỷ — thay vào đó, hãy chọn một con nghiện.
David J. Linden, giáo sư về thần kinh học tại Đại học Johns Hopkins, lý giải rằng
bản chất nghiện của họ có thể khiến họ làm việc điên cuồng khi cần:
Những tính cách thích rủi ro, ham khám phá, và cuồng si thường gặp ở
người nghiện có thể được khai thác rất hiệu quả ở nơi làm việc. Đối với rất nhiều
lãnh đạo, không phải là họ thành công dù đang bị nghiện; trái lại, chính cơ chế
não bộ và hóa học khiến cho họ bị nghiện cũng trao cho họ những đặc điểm hành
vi có lợi ấy.
Bạn đã nghe từ cả 2 phía: Tự tin thái quá khiến cho bạn cảm thấy thật tuyệt
vời, cho bạn quyết tâm, và gây ấn tượng đến người khác — nhưng cũng có thể
khiến bạn biến thành gã khốn kiêu căng, xa lánh mọi người, không thể tiến bộ, và
có thể mất tất cả bởi thói chối bỏ thực tại. Cư xử ít tự tin hơn cho bạn động lực và
công cụ để trở thành chuyên gia và khiến cho mọi người yêu thích... Nhưng cũng
khiến bạn không vui vẻ cho lắm và có thể phát tín hiệu rằng bạn không có năng
lực.
Nghe oải thật, đúng không? Dường như chả có câu trả lời nào dễ dàng. Bạn
có thể chọn gây ấn tượng với người khác và khiến họ ghét; hoặc chọn khiến họ
thích nhưng không tôn trọng mình. Thật là bế tắc. Thế còn như vầy thì sao: Sẽ ra
sao nếu như bạn quăng mớ mô hình tự tin này vô thùng rác?
Khoan chửi tôi vội. Rất nhiều nghiên cứu chứng tỏ rằng nhìn sự việc qua
lăng kính tự trọng chính là nguyên nhân thật sự khiến cho cuộc tranh cãi về tự tin
lại khó nhọc như vậy. Nhưng còn giải pháp nào thay thế sự tự tin? Giáo sư
Kristin Neff tại Đại học Texas cho biết đó chính là "tự cảm thông" (self-
compassion). Từ bi với bản thân khi phạm phải sai lầm đồng nghĩa với việc bạn
không cần phải cư xử như gã khốn ảo tưởng để thành công, và bạn cũng không
phải cảm thấy thiếu năng lực khi cần tiến bộ. Bạn sẽ thoát khỏi mớ kỳ vọng ngớ
ngẩn và dằn vặt bản thân khi không đạt được các kỳ vọng ấy. Bạn sẽ dừng lừa dối
chính mình rằng bạn quá tuyệt vời. Thay vì vậy, bạn chỉ tập trung vào tha thứ cho
bản thân khi bạn chẳng may không được tuyệt cho lắm.
Nghiên cứu cho thấy việc gia tăng mức độ tự cảm thông sẽ mang lại mọi lợi
ích của sự tự tôn — nhưng không kèm theo mặt trái của nó. Bạn có thể thấy thoải
mái và đạt kết quả làm việc tốt mà không cần phải hóa thành một gã khốn hay
không thể cải thiện bản thân mình. Không giống như sự tự tin, sự tự cảm thông