Vậy để tìm hiểu lý do tại sao ích kỷ không hiệu quả đối với các tổ chức trong dài
hạn, cũng như hiểu được mức độ cần thiết của niềm tin và sự hợp tác, chúng ta
cần đến với lĩnh vực tội phạm.
Ngày đầu tiên ở tù, bạn đi qua một hàng những gã côn đồ với giỏ quà vừa
nhận trong tay. Nghiêm túc đấy. Không đùa đâu.
Như David Skarbek tại King's College London giải thích, các băng đảng
trong tù thường có nghi thức đón chào bạn tù mới trong cùng băng, và người ta
còn đồn là bạn tù chung khu sẽ tặng những món quà giúp người mới ổn định
chốn ở. Có hành động nào tốt lành hơn thế? (Tôi không chắc liệu mấy món quà
có đạt chuẩn của chuyên gia phong cách sống Martha Stewart không, nhưng tôi
không thể nghĩ ra nơi nào một giỏ quà lại được đón nhận hơn chốn ấy.)
Chúng ta thường nghĩ các thành viên băng đảng là những kẻ vô pháp vô
thiên, tâm lý hung hăng, và dám chắc rằng có rất nhiều thành phần thực sự thuộc
thể loại này. Tuy nhiên, họ cũng đồng thời hiểu rõ về niềm tin và sự hợp tác hơn
hẳn những gì ta tưởng.
Băng đảng không phải những liên minh hỗn loạn, do một nhân vật phản diện
nham hiểm như trong phim Bond cầm đầu. Thực tế, dữ liệu cho thấy các băng
đảng không gây nên tội ác. Sự thật hoàn toàn trái ngược: Tội ác tạo ra băng đảng
giang hồ. Tương tự, phần đông băng đảng trong tù thành công được tạo ra không
phải để gây thêm tội ác mà là để bảo vệ các thành viên của mình trong thời gian
bị giam giữ. Một nghiên cứu về các thành viên của băng đảng trong tù Aryan
Brotherhood cho thấy, thay vì trở thành những kẻ "cùng cực của xấu xa," hồ sơ
ghi nhận số vụ bạo lực xảy ra trong tù của họ không khác biệt gì nhiều so với
những kẻ không gia nhập hội.
Theo nhiều cách nhìn nhận, giới tội phạm coi trọng giá trị của niềm tin và
hợp tác hơn hẳn bạn và tôi. Trong thế giới họ sống, niềm tin là thứ không thể coi
thường. Chúng ta không đến công sở mỗi ngày và lo nghĩ xem liệu có gã nào
chuẩn bị lụi dao vào cổ mình hay không. Bởi vậy, cái giá của lòng tin trong giới