lời đánh giá tốt trên eBay đối với một tay buôn thuốc. "NHÀ BÁN HÀNG
TUYỆT VỜI A++++++ sẽ mua lần nữa."
Dần dà, trật tự, niềm tin, và luật lệ kiểu này sẽ nhân rộng khiến cho băng
đảng trong tù giống như thể một tập đoàn. Các đại ca băng nhóm thường gửi cho
thành viên mới nhập hội những bảng câu hỏi. Thật là tốt khi biết các "nhân viên"
mới có thể đóng góp những gì. Nghe khá điên, nhưng tất cả những thứ này lại
phát huy tác dụng. Những quốc gia suy đồi có nhiều băng nhóm theo kiểu Mafia
lại thường thành công về mặt kinh tế hơn những quốc gia có tội phạm phân tán
— thể hiện qua tốc độ tăng trưởng ấn tượng hơn. Họ biết "tổ chức" như tội phạm
có tổ chức. Và tuy những băng nhóm đen tối có ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội,
trật tự mà họ thiết lập cũng tạo ra nhiều tác động ngoại vi tích cực. Mức độ hiện
diện của yakuza tại các thành phố ở Nhật tỷ lệ nghịch với số lượng các vụ án dân
sự. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy các nhà tù ở Mỹ hoạt động trơn tru hơn
khi có sự hiện diện của các băng nhóm.
Đừng hiểu lầm ý tôi. Bọn họ là tội phạm. Họ làm điều xấu. Nhưng để bất kỳ
tổ chức tội phạm nào có thể thành công, họ cũng cần có một mức độ tin cậy và
hợp tác bên trong, thậm chí khi các thành viên đang làm điều tệ hại bên ngoài.
Giới tội phạm thành công biết rằng ích kỷ thì không chơi lớn được. Theo thời
gian, điều này dẫn đến việc giới tội phạm cư xử với mọi người khá là tốt — ít
nhất là với những người trong cùng băng. (Không tin thì thử hỏi mình xem, lần
cuối sếp tặng bạn một giỏ quà là khi nào?)
Đây cũng không phải chuyện gì mới. Thậm chí hàng trăm năm trước, các
băng nhóm tội phạm đã trỗi dậy nhờ vào việc nội bộ chăm sóc lẫn nhau. Vậy đâu
là ví dụ điển hình nhất về các tập đoàn tội phạm? Chính là những tay nổi loạn với
đám vẹt trên biển cả. Cướp biển rất thành công bởi vì họ đối đãi người của mình
rất tốt. Họ rất dân chủ và tin tưởng lẫn nhau. Bên cạnh đó, họ còn thiết lập một hệ
thống phù hợp với hoàn cảnh để mọi việc có thể diễn ra thuận lợi.
Những doanh nhân khôn khéo của đại dương này không phái toàn là những
kẻ tâm thần điên loạn chột mắt đâu. Thực ra, theo Angus Konstam, chuyên gia
nghiên cứu về cướp biển Blackbeard nổi tiếng, trong suốt cuộc đời cướp bóc của
mình, Blackbeard chưa hề giết dù chỉ một người. Và cũng không hề có một ghi
nhận nào về các vụ hành quyết bước ván trên boong tàu. Không. Không một vụ
nào.