cơn đau; ta chấp nhận cơn đau như một sự hy sinh. Frankl nói, "Thứ mang lại ánh
sáng ắt hẳn phải chịu đựng nỗi đau bỏng rát."
Và chúng ta sẽ không từ bỏ.
Đó chính là câu chuyện chúng ta luôn kể với bản thân mình. Những câu
chuyện ấy có thể rất đúng. Hay, trong rất nhiều trường hợp, chúng chẳng cần phải
đúng chút nào.
Những người mắc hội chứng Cotard tin rằng mình đã chết. Họ sẽ ngồi ngay
trước mặt, nhìn thẳng vào mắt bạn, và nói rằng họ đã ra đi. Đây là một căn bệnh
tâm thần rất hiếm. Và xin chúc may mắn nếu bạn muốn thuyết phục họ chuyện đó
không đúng. Họ sẽ luôn tìm ra một lý do bạn đang sai và họ đúng, thậm chí giải
thích được cả chuyện tại sao da thịt trên cánh tay họ không thối rữa và họ không
lê thân trên đường như trong phim The Walking Dead. Họ vẫn sẽ nói là họ đã
ngủm.
Lời đáp của họ là thứ mà những nhà tâm lý học gọi là "chứng bịa chuyện"
(confabulation). Họ không phải đang cố đánh lừa bạn, mà họ thậm chí còn không
nhận biết được mình đang sai. Và đôi khi lời đáp của họ hoàn toàn nhảm nhí.
Những người mắc hội chứng Alzheimer thường "tự sáng tác" các ký ức khi
không thể nhớ ra điều gì đó. Họ hoàn toàn tái dựng lại thực tại để trám vào
khoảng trống. Tâm trí của họ đơn giản chỉ sắp xếp mọi thứ lại để tạo tính hợp lý
trong chuyện đã xảy ra.
Điều họ hiếm khi nói chính là "Ý hay đó. Tôi không biết tại sao tôi lại tin
như vậy." Và tôi cá rằng có rất nhiều người bình thường cũng không dám nói ra
câu "Tôi không biết."
Daniel Kahneman đã giành được giải Nobel cho công trình về các thiên kiến
nhận thức (bias). Đó là những "lối tắt" có sẵn trong não chúng ta, giúp tăng tốc
quá trình quyết định. Chúng rất hữu ích nhưng không phải lúc nào cũng hợp lý.
Một ví dụ là cảm giác sợ mất mát (loss aversion). Theo lý lẽ thông thường, việc
kiếm được 1 đô la lẽ ra nên mang lại niềm vui tương đương với cảm giác đau đớn