ngành có tỷ lệ hối hận cao nhất. Như Liz Brown từng nói, "Luật là nhóm ngành
duy nhất tôi biết mà có cả một ngành phụ riêng để giúp cho người ta có thể thoát
ra khỏi nó."
Những câu chuyện không phải là bức tranh hoàn hảo về thế giới, nhưng
chúng cho phép ta thành công cũng chính vì lý do đó. Các câu chuyện có thể giúp
ta tiếp tục cố gắng và trở thành "kẻ được chọn." Bạn không được "sinh ra" để làm
bất cứ một thứ gì cụ thể, nhưng khi câu chuyện của bạn bảo rằng bạn được "sinh
ra" để làm một thứ gì đó, bạn sẽ thực hiện tốt và kiên trì hơn. Nói gì thì nói, đó là
định mệnh của bạn mà!
Và đó chính là cách nó kết nối với sự nghiệp. Như giáo sư Teresa Amabile ở
trường Harvard thảo luận trong quyển sách The Progress Principle, "có ý nghĩa"
chính là mong muốn hàng đầu của mọi người về công việc của mình. Vâng, nó
còn hơn cả lương thưởng hay việc thăng tiến. Steve Jobs đã làm cách nào để dụ
John Sculley khỏi vị trí CEO Pepsi? Ông hỏi, "Anh muốn dành suốt phần đời còn
lại để bán nước đường hay muốn có cơ hội đổi thay thế giới?" Có ý nghĩa không
nhất thiết phải là cứu trẻ mồ côi hay chăm sóc người bệnh. Miễn là câu chuyện
của bạn có ý nghĩa với bạn, nó đã đủ mạnh rồi.
Vậy làm thế nào để tìm được câu chuyện của mình?
Có một cách rất đơn giản để thực hiện điều đó: Hãy nghĩ về cái chết.
Ở Mỹ ngày nay, dường như không có ai muốn dành thời gian để suy nghĩ về
cái chết. Điều đó chẳng vui vẻ gì. Chúng ta thích nghĩ mình sẽ sống đời mãi mãi.
Nhưng trong rất nhiều nền văn hóa, cái chết là một phần của cuộc sống, nó được
dành riêng một nơi để tưởng niệm hay thậm chí có cả một dịp lễ riêng. Mexico có
Dia de los Muertos. Cơ Đốc giáo có Lễ Các Thánh. Nhật bản có Sorei. Ấn Độ lại
dành thời gian cho Shraaddha...
Suy nghĩ về cái chết nhắc cho chúng ta nhớ điều gì mới thực sự quan trọng
trong cuộc sống. David Brooks cho rằng có sự khác biệt giữa "giá trị lý lịch" và
"giá trị điếu văn." Giá trị lý lịch là những thứ mang lại thành công bên ngoài, như