- Nhưng tại sao lại làm thế?
Năm đó, tức vào năm tám tuổi, tôi chưa biết rằng trong công thức 5W mà
người phương Tây dùng như một công cụ để khám phá sự thật, gồm “What -
Who - Where - When - Why” mà người Việt chúng ta vẫn dịch là “Cái gì -
Ai - Ở đâu - Khi nào - Tại sao” thì câu hỏi “Tại sao” bao giờ cũng là câu hỏi
sâu sắc nhất, có tính bản chất nhất, và dĩ nhiên là khó trả lời nhất. So với bốn
câu hỏi còn lại, câu hỏi bắt đầu bằng hai chữ “Tại sao” quan trọng hơn hẳn.
Hồi bé, hẳn là bạn cũng có hằng hà những câu hỏi “tại sao” khiến ba mẹ bạn
vô cùng bối rối.
Tại sao khi mưa trời lại có sấm sét?
Tại sao tóc chỉ mọc ở trên đầu?
Tại sao chúng ta lại ăn Tết?
Tại sao đường lại ngọt còn muối thì mặn?
Tại sao máu có màu đỏ?
Tại sao con cò khi ngủ lại co một chân?
Tại sao đàn ông có vú?
Tại sao trái đất quay quanh mặt trời?
Chúng ta, nói một cách chính xác là bọn nhóc tì chúng ta, đã đi từ thắc mắc
đơn giản nhất đến thắc mắc phức tạp nhất, trong đó có những câu hỏi mà nếu
không phải là một nhà khoa học giỏi giang thì không thể giải thích thấu đáo
được. Ba mẹ chúng ta hồi đó (chúng ta bây giờ đôi khi cũng vậy) thường tìm
cách lảng sang chuyện khác hoặc không nhịn được mà nổi khùng lên với
đám con cái chẳng qua vì họ tự giận mình không phải là nhà khoa học giỏi
giang đó thôi.
Nhưng đến những câu hỏi kiểu như “Tại sao chúng ta được sinh ra?“, “Tại
sao chúng ta phải sống?”, “Tại sao chúng ta phải chết?”, thì các nhà khoa
học cũng bó tay. Những thắc mắc lúc này đã trở nên siêu hình và bắt đầu đặt
chân vào lãnh vực của triết học. Thái tử Tất Đạt Đa từng đi tìm lời giải đáp
cho vấn nạn cơ bản này - nhằm giải mã ý nghĩa của sự tồn tại, để cuối cùng
trở thành một nhà khai sáng thuộc loại vĩ đại bậc nhất thế giới dưới cái tên