Người ta định nghĩa thế giới này bằng chức năng, và chỉ bằng chức năng. Áo
để mặc, ghế để ngồi, răng để nhai và lưỡi để nếm.
Cho nên không thể trách được nếu ba tôi quả quyết ly mới là thứ dùng để
uống nước, còn chai chỉ dùng để đựng nước, nếu mọi ông bố bà mẹ khác đều
nhanh chóng đồng ý với nhau rằng nón lưỡi trai dùng để che nắng, bút để
viết và tập vở tất nhiên dùng để ghi chép.
Trẻ con không quan tâm đến chức năng. Đơn giản vì trẻ con có kho báu vô
giá: óc tưởng tượng.
Chiếc gối với người lớn là thứ để gối đầu nhưng với con Tí sún nghèo rớt
mùng tơi thì đó là con búp bê hay khóc nhè mà nó phải ru mỗi ngày.
Với tôi và Hải cò, áo không chỉ dùng để mặc mà còn là thứ để nắm lấy khi
tụi tôi cần trì níu để vật nhau xuống đất. Nếu áo mà chỉ dùng để mặc thì chán
chết. Mà thực ra nếu trời không quá lạnh thì trẻ con cũng chẳng cần mặc áo.
Với mẹ thằng Hải cò, hiển nhiên cây chổi dùng để quét nhà. Nhưng nếu thấy
Hải cò đứng tần ngần trước cây chổi, tôi đoán là nó đang nghĩ xem nên làm
gì với cây chổi, nên ném vào cửa kiếng nhà hàng xóm để xem điều gì sẽ xảy
ra sau đó hay nên cưỡi lên cây chổi rồi đọc thần chú để biết mình có bay
được như các phù thủy trong truyện hay không. (Chuyện thần tiên là do
người lớn viết ra, nhưng thường thì họ quên khuấy đi rằng họ viết ra chuyện
thần tiên để trẻ con sống trong thế giới đó cho đến chừng nào trẻ con cũng
trở thành người lớn như họ).
Những ngày ngồi cặm cụi gõ những con chữ này tôi còn nghiệm ra rằng
những đứa trẻ thích trở chứng là những đứa trẻ muốn thể hiện cái tôi, tất
nhiên thể hiện theo kiểu trẻ con. Quay ngược cái nón lưỡi trai ra phía sau,
đứa trẻ muốn khẳng định rằng ta khác với phần còn lại của thế giới, thực ra
cũng khó mà khác được vì trên thế giới bao la này có rất nhiều đứa trẻ đội
nón kiểu oái oăm như vậy, nhưng ít ra cũng khác với thằng bạn đi bên cạnh.
Tất nhiên không phải đứa trẻ nào cũng thế. Cũng có những đứa trẻ thích
giống nhau, bên cạnh những đứa trẻ thích khác nhau.
Người lớn dĩ nhiên vỗ tay hoan nghênh đám trẻ thứ nhất. Vì giống lẫn nhau,
đó là thứ nguyên tắc mà người lớn sùng bái. Giống nhau tức là không cá
biệt, không phá phách, không nổi loạn. Là nề nếp, quan trọng hơn nữa là an
toàn. Nếu thật giống đám đông, giống đến mức lẫn lộn giữa người này với
người khác, thậm chí tư tưởng ai nấy đều trùng khít với nhau thì càng tuyệt