Nhiều đứa trẻ khác đội nón cứ thích quay ngược lưỡi trai ra đằng sau.
Nhiều đứa trẻ khác nữa thích dùng bút để đọ gươm và xé giấy tập để xếp tàu
thuyền hơn là dùng thứ này để viết lên thứ kia.
Nếu có thời gian tìm hiểu hẳn tôi sẽ tìm thấy những chú bé thích rót nước vô
chai và xới cơm vô thau. Chắc chắn thế.
Thật là sáng tạo, những đứa trẻ đó. Chúng làm vậy chẳng qua chỉ để cho đời
bớt nhạt. Lý do mới lành mạnh làm sao!
Nhưng người lớn lại coi là ngổ ngáo, ngược đời và không giống ai những
điều mà bọn trẻ chỉ đơn giản coi là thú vị.
Người lớn sẽ nói, hết sức nghiêm khắc:
- Này con, khi nào phải rượt đuổi ai hoặc bị ai rượt đuổi, con người mới phải
chạy, khi nào cần vượt qua một chướng ngại vật như vũng nước hay mô đất,
con người mới phải nhảy. Còn lúc khác, những người đứng đắn đều đi đứng
khoan thai. Chẳng đứa trẻ ngoan nào lại nhảy như cóc hoặc đi trên gờ tường
như khỉ thế kia!
Người lớn tiếp tục bảo ban:
- Người ta tạo ra cái lưỡi trai là để che nắng cho gương mặt, chỉ có những kẻ
ngốc nghếch mới quay ngược cái nón lại như thế!
Tới lần thứ ba thì người lớn răn đe:
- Tao sắm tập bút cho mày đánh nhau và xé làm đồ chơi hả thằng kia?
Tất cả những gì người lớn dạy dỗ đều đúng về mặt lý thuyết, bọn trẻ đều
thấy vậy. Nhưng bọn chúng vẫn có một sự thôi thúc vô hình làm cho khác đi
trong thực tế.
Chẳng qua so với người lớn, trẻ con sống trong một bầu khí quyển khác và
dưới một thứ ánh sáng khác. Ở đó, bọn trẻ tiếp cận thế giới theo cách của
chúng, nghĩa là chúng không nhìn mọi thứ chung quanh dưới khía cạnh sử
dụng. Đó là điểm khác biệt căn bản giữa trẻ con và người lớn.
Với người lớn, ý nghĩa và giá trị của mọi thứ trên đời đều thu gọn vào hai
chữ chức năng. Bạn lật bất cứ một cuốn từ điển nào của người lớn mà coi.