Lúc nghe những câu vần vèo đó, tôi không tìm cách phân biệt các mẫu tự mà
cứ liên tưởng đến cái mũ của chú Nhiên, một cái mũ nhọn màu xanh sẫm
bằng vải nỉ dày có chóp nhọn. Loại mũ đó bây giờ không còn ai đội, cũng
chẳng ai buồn sản xuất nữa nhưng hồi đó nó là một kỳ quan đối với bọn
nhóc mũi thò lò như tôi.
Tôi rất thèm được đội lên đầu chiếc mũ của chú Nhiên, đội một tẹo thôi rồi
trả lại cũng đã vô cùng sung sướng. Tất nhiên chú Nhiên thấy chuyện đó
chẳng có gì nghiêm trọng: tôi đội chiếc nón bảo bối đó trước tia nhìn chằm
chằm của chú, nếu muốn nghịch phá tôi cũng chẳng có cơ hội.
Rồi tôi nghĩ đến ông ngoại con Tí sún. Tôi nghĩ đến chòm râu của ông.
Chòm râu của ông chẳng có chút gì giống giấu ơ. Nó dài và thẳng, và rậm
rạp, mỗi khi ăn phở ông phải dành riêng một tay để vén râu cho khỏi ướt.
Tôi nghĩ ngợi lung tung, liên tưởng đủ thứ và khi cô giáo chỉ tay vào chữ ơ
và hỏi tôi đây là chữ gì thì tôi cà lăm:
- Thưa cô đây là chữ... chữ...
Tôi biết cái chữ cô giáo hỏi là chữ ô hoặc chữ ơ, nhưng nó đích thực là ô hay
ơ thì tôi không quả quyết được. Trong đầu tôi lởn vởn hình ảnh chú Nhiên và
ông ngoại con Tí sún nhưng người nào là ô người nào là ơ thì tôi quên béng.
Thấy tôi lúng búng hàng buổi, cô giáo thương tình:
- O tròn như quả trứng gà
Ô thì đội mũ, còn chữ gì là có râu?
Tôi mừng quýnh:
- Thưa cô chữ ơ ạ.
Một nhà thông thái nào đó đã dùng từ mặt để chỉ con chữ. Mặt chữ - một
cách nói tuyệt vời.
Chuyện đầu tiên của học trò vỡ lòng là làm quen với mặt chữ, sau đó phải
nhớ mặt chữ. Giống như làm quen với người nào đó và nhớ mặt họ.
Hai mươi bốn chữ cái là hai mươi bốn gương mặt mà bất cứ đứa trẻ nào
cũng buộc phải làm quen trước khi ý thức rằng đây là những gương mặt sẽ đi