Khi là chuyện con người, cùng lắm ta còn có thể tự an ủi bằng
Shakespeare, bằng nền y học hay bằng những dấu giày của chúng ta
trên mặt trăng. Nhưng khi là chuyện một con chó, thì ta chẳng còn biết
lẩn tránh vào đâu nữa. Mỗi lần trở lại gặp Batka bị nhốt trong chuồng
của nó, tôi cứ ngỡ đọc thấy qua ánh nhìn một câu hỏi câm lặng: “Tôi
có làm gì đâu, tại sao tôi lại bị nhốt trong chuồng, tại sao ông không
muốn có tôi nữa?” Chẳng thể nghĩ ra được cách trả lời nào trước sự
trong trắng tận bản chất đó, ngoài một cái vuốt ve an ủi. Ra về, tôi thật
sự căm hận chính mình, và nói như cái câu nổi tiếng của Victor Hugo
mà lâu lắm tôi không tìm ra được một cách diễn dịch tương ứng cho
đến khi ngài Hélou, ngày nay là tổng thống Liban, đã nói hộ tôi: “Khi
tôi nói tôi, tức là tôi nói về tất cả các người đấy, hỡi những người khốn
khổ.”
Ngày nào tôi cũng đến chuồng chó.
Tôi muốn biết mình đang trở thành cái thứ gì đây.
Bảy giờ sáng. Ngoài người gác đêm và đám thú, con thuyền Noé
vắng ngắt. Hoa và lá ru đưa trong gió sớm những giọt sương nặng như
trái quả của bình minh.
Con hươu cao cổ của tiến sĩ Doolittle nhìn tôi với đôi mắt đầy nữ
tính giấu sau hàng mi dài, mà các bà ở chỗ Elizabeth Arden
ghen thèm. Batka đứng lên bằng hai chân sau, áp cả thân mình vào rào
sắt, nó đã đánh hơi thấy tôi đến từ xa. Tôi dựa má vào lưới sắt, tôi cảm
nhận cái mõm lạnh, cái lưỡi ấm. Chẳng khó gì để nhận ra biểu hiện
của tình yêu trong đôi mắt một con chó, và tôi nghĩ đến mẹ tôi vì cái
sự trung thành này của con chó và của tình yêu. Nhưng mắt mẹ tôi
màu xanh lục. Tôi cũng nghĩ đến một điều ngu ngốc thú vị do một nhà
văn ưu tú trong số các bạn tôi nói ra bằng cái giọng mà trong tiếng
Anh người ta gọi rất hay là supercilious, pha trộn giữa tính trịch
thượng, ti tiện và chất công tử bột tâm lý. “Tôi không thích chó, anh
ấy bảo tôi, bởi vì tôi không thích cái thứ đức tính quyến luyến phục